- Anh biết tất cả?
- Phải, vì tôi là đoàn trưởng.
Người ta không phải là nghệ sĩ nếu không có một chút tự ái. Tôi muốn trổ
tài cho Mã-Tư biết tôi cũng là một tay âm nhạc khá. Tôi lấy cây thụ cầm ra
gảy và hát bài Tình-ca “tủ” của tôi. Và theo lệ thường của con nhà nhạc sĩ,
Mã-Tư lại trả tôi lại những lời khen ngợi mà tôi vừa tặng anh bằng những
tiếng vỗ tay hoan hỉ. Mã-Tư có tài, tôi cũng có tài. Chúng tôi xứng đáng là
đôi bạn nghệ sĩ giang hồ.
Nhưng chúng tôi không thể cứ ngồi đó mà khen tặng lẫn nhau. Sau khi đàn
hát cho tai chúng tôi rồi, chúng tôi phải nghĩ đàn hát cho dạ dầy, cho lưng
chúng tôi nữa chứ! Tôi buộc túi lại, đến lượt Mã-Tư vác.
Chúng tôi tiến trên đường cát bụi. Tôi nghĩ lát nữa gặp làng nào ở cạnh
đường là phải dừng lại diễn trò, “bước đầu của đoàn Lê-Minh”.
Mã-Tư bảo tôi:
- Anh dạy tôi câu hát của anh để tôi cùng hát và đánh vĩ-cầm theo: thế sẽ
hay hơn.
Như thế, nhất định hay và chỉ có những khán quan trái tim sắt đá mới
không ném tiền.
Chúng tôi đã tránh được những trái tim sắt đá đó. Chúng tôi vào một làng
kia, đang tìm chỗ để diễn thì đi qua một cửa trại. Trong sân có đông người
ăn mặc như ngày đại hội, đàn ông thì gài hoa ở khuy áo, đàn bà thì giắt hoa
ở dây lưng. Cánh hoa lẫn với tơ lụa trông rất rực rỡ. Không cần phải là
người thông minh, ai cũng biết ngay đó là một đám cưới.
Tôi đoán họ đang cần âm nhạc để khiêu vũ. Tôi tiến vào trong sân, Mã-Tư
và Lãnh-Nhi theo sau. Gặp một thanh niên, tôi ngả mũ và cúi chào – cái
chào lịch sự của ông Vỹ-Tiên – tôi xin vào giúp vui.
Người thanh niên đó mặt đỏ như quả bồ-quân, cổ áo cứng cọ vào tai, vẻ
bình tĩnh.
Chàng không trả lời, quay cả người vào phía trong vì cái áo mới bằng dạ
len bóng loáng bó vào thân làm khó cử động, cho hai ngón tay vào mồm
làm còi, huýt một tiếng dài làm cho Lãnh-Nhi phải khiếp sợ.
Chàng nói theo: