đến nỗi chết đói ở dọc đường.
Mã-Tư trỏ vào bản đồ bảo tôi:
- Anh xem cái gì thế?
Tôi bảo anh biết đó là một bức bản đồ và dùng để làm gì. Tôi cắt nghĩa cho
anh nghe gần giống như những lời ông Vỹ-Tiên đã dạy tôi bài địa lý đầu
tiên.
Anh giương mắt nhìn tôi, chăm chú nghe. Anh hỏi:
- Thế thì phải biết đọc.
- Chính thế. Anh không biết đọc à?
- Không.
- Anh có muốn học không?
- Tôi muốn lắm!
- Tôi sẽ dạy anh.
Trong bản đồ, người ta có thể tìm thấy con đường Dị-Nho về Ba-Lê không?
- Có chứ, dễ tìm lắm.
Tôi liền chỉ cho anh: tôi lấy tay đưa từ điểm Dị-Nho đến Ba-Lê. Anh không
tin và hỏi:
- Sao tôi đi bộ thấy đường dài lắm kia mà?
Tôi liền cắt nghĩa hết sức – hết sức có nghĩa là lúng túng – cho anh biết
người ta rút ngắn những con đường để vẽ trên bản đồ như thế nào. Tai anh
để ý nghe, nhưng óc anh không tin lắm về khoa học của tôi.
Lúc đó túi hành lý bỏ ngỏ, tôi chợt nghĩ nên kiểm điểm lại đồ đạc và cũng
để khoe với Mã-Tư. Tôi lấy ra và trải cả trên cỏ.
Tôi có ba sơ-mi bằng vải gai, ba đôi bí-tất, năm mùi soa còn mới và một
đôi giầy cũ. Mã-Tư choáng mắt.
Tôi hỏi Mã-Tư:
- Của anh có những gì?
- Tôi có chiếc vĩ cầm này và những quần áo tôi đang mặc.
- Vậy thì chúng ta phải chia cho đều vì chúng ta là anh em bạn. Phần anh
hai sơ-mi, hai đôi bí-tất và ba mùi soa. Cũng phải chia ra cho đều việc vác
túi, mỗi người đeo một giờ, thay đổi nhau cho được công bằng.
Mã-Tư không muốn nhận phần chia thứ nhất. Nhưng tôi theo lối ông Vỹ-