Dưới bầu trời u ám, trong khung cảnh buồn thiu, việc gặp người đàn bà
điên vì đau khổ này, ở ngay cửa mỏ làm cho chúng tôi chán ngán vô cùng.
Người ta chỉ lối cho chúng tôi đến nhà ông An-Thiện, chú cậu An-Sinh.
Ông ở gần mỏ, trong một phố ngoằn ngèo và dốc đi từ sườn đồi ra phía bờ
sông. Đến nơi, tôi hỏi một bà đứng tựa lưng vào cửa đang nói chuyện với
một bà hàng xóm cũng đứng tựa lưng vào cửa bên cạnh, bà ta cho tôi biết là
tan tầm sáu giờ ông mới về.
Bà hỏi:
- Em muốn hỏi ông ấy việc gì?
- Tôi đến thăm anh An-Sinh.
Bà liền nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi lại nhìn Lãnh-Nhi, bà hỏi:
- Em là Lê-Minh phải không? An-Sinh thường nhắc đến em và có ý đợi em.
Và bà ta trỏ Mã-Tư:
- Còn em này là ai?
- Thưa bà, bạn tôi.
Đó là thím cậu An-Sinh, tôi tưởng thế nào bà cũng mời chúng tôi vào nhà
nghỉ vì chân chúng tôi lấm láp và mặt chúng tôi cháy nắng đã quá biểu lộ
vẻ mệt nhọc của chúng tôi. Nhưng bà tôi không mời gọi gì cả. Bà chỉ nhắc
lại rằng 6 giờ An-Sinh mới về, khác nào như đuổi chúng tôi. Người ta đã
không mời thì chúng tôi cũng chẳng xin. Tôi cảm ơn bà ta rồi kéo nhau ra
phố tìm hàng bánh mì, vì chúng tôi đã đói bụng, ăn từ sáng đến giờ rồi còn
gì. Nghĩ sự tiếp đãi của bà thím kia làm tôi xấu hổ vì tôi thấy Mã-Tư như
có ý nghĩ ngợi. Vượt hơn ngàn cây số đến đây chả hóa ra vô ích lắm sao?
Hình như Mã-Tư có một ý tưởng không được tốt đẹp về các bạn của tôi.
Mã-Tư sẽ không tin tôi nữa. Tôi cố giữ sao cho anh khỏi vì thế mà bỏ lòng
thiện cảm đối với Lệ-Hoa.
Thái độ nhạt nhẽo của thím cậu An-Sinh làm cho tôi không muốn trở lại
nữa. Chúng tôi định trước sáu giờ sẽ đến đợi An-Sinh ở cửa mỏ.
Sở mỏ Thụy-Khê gồm có ba lò: lò Thánh Duy Liên, lò Thánh An-phong, lò
Thánh Phan-Cát. Theo tục của dân mỏ, khởi đào ngày nào thì xem lịch lấy
tên thánh ngày đó đặt tên lò, một là đã làm lễ động thổ, hai là để nhớ ngày
hưng công. Những lò đó là lò kéo than, lò thông khí và lò rút nước chứ