không phải là chỗ để thợ lên xuống. Muốn lên, xuống, người ta đã có một
đường hầm riêng, đi từ nhà chứa đèn xuống đến tầng khai than thứ nhất rồi
ở đó lại chia ra làm nhiều lối thông với các phần khác. Đi đường riêng như
thế lợi được hai điều. Trước hết người ta không sợ đứt dây hoặc thùng vất
vào thành lò mà quẳng người xuống một cái hố sâu hơn hai ba trăm mét.
Người ta còn tránh cho thợ những sự di chuyển bằng máy quá nhanh đang
ở đáy hầm nóng thình lình lên chỗ lạnh dễ mắc chứng sưng màng phổi hoặc
bệnh phế viêm.
Tôi đứng đợi ở cửa hầm với Mã-Tư và Lãnh-Nhi. Sáu giờ điểm xong độ
vài phút, nhìn xuống hầm sâu thẳm và tối mò, tôi thấy những điểm sáng lắc
lư và lớn dần ra. Đó là những thợ mỏ làm việc xong, xách đèn lên mặt đất.
Họ đi thong thả, bước nặng nề hình như bị nhức gối. Tại sao họ đều như
thế? Về sau tôi mới biết vì chính tôi có dịp xuống tầng hầm cuối cùng bằng
thang. Mặt họ lọ lem như trát mồ hóng, quần áo và mũ dính đầy than hay
những vẩy bùn còn ướt. Khi qua nhà đèn, người nào cũng treo đèn của
mình vào một cái đinh.
Tôi nhìn ngang nhìn ngửa chẳng thấy An-Sinh đâu. Chợt có người chạy
đến ôm lấy cổ tôi, tôi mới biết là anh. Anh đen từ chân lên đến đầu khác
hẳn với anh bạn ngày nào chạy tung tăng trong vườn, áo sơ-mi cụt tay và
cổ bẻ trông rõ làn da trắng mịn, nên khó mà nhận ra.
Cậu quay lại nói với một người đàn ông trạc độ 40 tuổi đi bên cạnh cậu,
khuôn mặt tươi tỉnh và hiền lành giống hệt cha cậu, điều này không khiến
tôi lấy làm lạ vì hai ông chính là anh em ruột:
- Thưa chú, đây là anh Minh.
Tôi hiểu đó là ông An-Thiện.
Ông nói:
- Chúng ta đợi em đã lâu.
- Đường từ Ba-Lê về đây xa lắm.
Ông cười và nói:
- Mà chân em thì ngắn, phải không?
- Vâng, chính thế.
Lãnh-Nhi được gặp An-Sinh cũng mừng lắm, cắn tay áo anh mà lôi.