hầm. Khi than đã chất đầy, An-Sinh phải đẩy ra đến cửa lò, đến đó, người
ta móc dây cáp vào và cho máy trục kéo lên mặt đất.
Tuy mới làm thợ mỏ, An-Sinh đã yêu nghề và thích mỏ. Anh cho mỏ Thụy-
Khê là một mỏ đẹp nhất và lạ nhất. Anh khéo kể lại, ai nghe cũng lấy làm
thú.
Muốn xuống mỏ, trước hết phải qua một đường hầm khoét trong đá. Đi độ
10 phút đến một cái bệ có nhiều bậc dốc, chân bệ nối với một cái thang dài
bằng gỗ, chân thang này lại có một cái bệ nhiều bậc, cũng nối với một cái
thang gỗ nữa, thì đến tầng hầm thứ nhất, cách mặt đất 50 mét. Muốn xuống
tầng hai, sâu 90 mét và tới tầng ba sâu 200 mét, người ta cũng phải qua một
hệ thống thang như trên.
Tầng ba này là chỗ làm việc của An-Sinh. Như vậy, muốn tới công trường
của anh, anh phải đi gấp ba lần đường hơn người lên tháp chuông nhà thờ
Đức Bà ở Ba-Lê.
Không những thế, cầu thang tháp chuông nhà thờ sáng sủa và có những bậc
đều đặn, lên xuống dễ. Cái thang xuống hầm không thế. Những bậc phải
đẽo theo lườn đá nên có bậc cao, có bậc thấp, có chỗ rộng, có chỗ hẹp rất
khó đi. Ngoài ánh sáng ngọn đèn xách ở tay không còn ánh sáng nào khác.
Lối đi lúc nào cũng ướt vì nước trên trần thấm xuống, rỏ từng giọt, đôi khi
rơi vào mặt lạnh toát.
Xuống sâu 200 mét cũng khá dài, nhưng chưa hết. Người thợ còn phải theo
những đường khác để đến chỗ làm việc. Tất cả đường hầm và các chi
nhánh ở mỏ Thụy-Khê tổng cộng lại có tới từ 35 đến 40 cây số. Dĩ nhiên là
một người không phải đi khắp 40 cây số đó. Chỉ đi một đoạn cũng đủ mệt
rồi. Nhất là những chỗ phải lội. Nước ở hai bên khe đá rỉ ra, chảy vào giữa
đường thành suối, đến cửa lò đã có máy bơm lên mặt đất.
Đường nào được đào trong đá thì vững vàng như những tụy đạo (hầm) xe
lửa. Những đường phải xuyên qua những chỗ đất dễ lở phải có gỗ đỡ trần
và chăn vách. Mặc dầu người ta đã dùng rất nhiều khúc gỗ thông để chống
đỡ cho đất khỏi sụp, nhưng nhiều chỗ sức ép của đất nặng quá làm oằn cả
gỗ khiến cho những lối đi thu hẹp lại hoặc sụt xuống chỉ còn khe để lách
hoặc bò.