tôi. Và những câu ông An-Thiện trả lời tôi cũng vẫn còn mờ nghĩa. Đại
khái tôi hỏi ông:
- Than đá là gì?
Ông trả lời:
- Là một thứ than rắn như đá.
Ông Vỹ-Tiên ngày trước đã dạy tôi: phàm biết cái gì thì phải biết cho đến
nơi đến chốn. Vì thế tôi lại đem câu hỏi trên hỏi Giáo-sư, thì Giáo-sư lại trả
lời khác hẳn.
Giáo-sư nói:
- Than đá chỉ là một thứ than củi. Than củi là do những cây người ta đốn
về, đắp lò và hầm âm ỉ cho thành than. Than đá cũng là cây, nhưng những
cây ở rừng thuở xưa sập xuống và do sức tạo hóa biến ra than, ta muốn nói
những rừng cháy, những núi lửa, những động đất thiên nhiên.
Thấy tôi nhìn ông bằng đôi mắt ngạc nhiên, ông nói:
- Bây giờ ta không có thì giờ nói dài vì còn phải đẩy xe. Đến mai, chủ nhật,
con đến nhà ta, ta sẽ cắt nghĩa kỹ cho con nghe. Ta có đủ những mảnh than
và mảnh đá, nó giúp con hiểu kỹ bằng mắt những điều con nghe thấy bằng
tai. Họ trêu và gọi ta là “Giáo-sư” nhưng con sẽ biết Giáo-sư cũng có ích
phần nào. Cuộc sống của con người ta không hoàn toàn chỉ ở trong tay
người ta mà còn ở trong đầu óc nữa. Khi ta còn nhỏ, ta cũng có tính tò mò
như con. Ta sống trong mỏ, ta muốn hiểu tất cả những sự vật ta trông thấy
hàng ngày. Ta hỏi các kỹ sư và ta đọc sách. Sau ngày bị nạn ta phải nghỉ
việc, ta dùng thì giờ để học. Khi người ta có mắt để nhìn, khi người ta có
kính để đeo trên mắt để xem sách mãi mãi rồi người ta cũng phải biết. Bây
giờ ta không có thì giờ đọc sách, không có tiền mua sách, nhưng ta vẫn còn
có mắt, vẫn chú ý học hỏi.
- Ngày mai, con sẽ đến chơi, ta rất sung sướng dạy con biết quan sát chung
quanh con. Người ta không biết rằng một lời nói rơi vào cái tai lương hảo
có thể bắt rễ nẩy mầm. Chính vì ta được dẫn đường cho nhà Đại bác học
Bồng-Nha (Brongniart) trong mỏ than Bét-Xe (Bességes) và được nghe ông
giảng giải nhiều điều hay, cho nên bây giờ ta biết nhiều hơn các bạn đồng
nghiệp của ta đôi chút. Thôi! Để đến mai, con ạ.