Giáo-sư nói tiếp:
- Chúng ta lấy móc đèn treo mà đào!
Thế rồi mọi người đều dùng móc đèn của mình khoét sâu chỗ đất để chân.
Chân hốc nghiêng và trơn, việc đào rất khó. Nhưng ai nấy đều hiểu rằng
nếu chỗ đứng không vững, lỡ sẩy chân thì mất mạng nên hăng hái làm việc.
Chỉ trong mươi phút, chúng tôi đã có một chỗ đứng vững vàng.
Làm xong, mọi người đều thấy nhẹ mình. Lúc đó mới nhận mặt nhau.
Chúng tôi có tất cả 7 người: Giáo-sư, ông An-Thiện và tôi, ba người thợ
cuốc là Ba-Điền, Tư-Cổn, Bảy-Nhu và người đẩy xe là Cao-Dĩ. Còn những
người thợ khác đều mất tích cả.
Trong mỏ vẫn nghe thấy tiếng động ầm ầm. Không có danh từ gì để gọi
đúng những tiếng động hãi hùng đó, tiếng đại bác hợp với tiếng sấm cũng
không to bằng.
Thất đảm, chúng tôi đứng nhìn nhau, như để tìm trong mắt người bạn
những lời giải thích mà mình không biết.
Một người nói:
- Đó là một trận Đại-Hồng-Thủy.
- Là ngày tận thế.
- Nạn động đất.
- Thần Mỏ ra oai.
- Nước tích ở các hầm cũ đổ xuống.
- Một lỗ rò ở đáy sông.
Giả thuyết cuối cùng này là của tôi. Tôi bảo thủ ý kiến của tôi. Giáo-sư
không nói gì. Ông nhìn từng người một, so vai lên như người đang ở ngoài
trời, dưới bóng cây dâu vừa bàn cãi vừa ăn một củ hành.
Khi đã nghe ý kiến của từng người, Giáo-sư phát biểu sau cùng:
- Chắc chắn là một nạn lụt.
- Sinh ra bởi động đất.
- Do Thần Mỏ báo thù.
- Từ các hầm cũ đổ xuống.
- Bởi lỗ rò của sông Đinh-Giang.
Mọi người nhái lại ý kiến trước của mình.