theo ý đại đa số việc làm đó rất vô ích. Tất cả những thợ bị chôn vùi đều
chết rồi. Chỉ nên múc hết nước bằng thùng rồi ngày một ngày hai, người ta
sẽ tìm đủ xác nạn nhân. Thế thì xuống hầm được sớm hơn hay chậm hơn
một vài giờ có quan hệ gì? Đó là ý kiến của những nhà có thẩm quyền cũng
như toàn thể dân chúng. Những cha mẹ, vợ con các nạn nhân đã để tang cả
rồi. Quyết rằng không một người nào lại sống sót được ở hầm mỏ Thụy-
Khê.
Để ngoài tai những dị nghị của công chúng và những lời phê bình của các
bạn đồng nghiệp, Kỹ-sư không sờn lòng, khăng khăng cho đào đến nơi.
Người ta thấy có ở Kỹ-sư một tính khí cương ngạnh và một lòng tin mãnh
liệt, đức tính quý báu đã giúp Kha-Luân-Bố tìm thấy Mỹ-châu.
Kỹ-sư hô hào đám thợ:
- Các bạn ơi! Còn một ngày hôm nay nữa thôi. Nếu ngày mai không tìm
thấy gì mới lạ, ta sẽ đình chỉ việc làm. Tôi chỉ yêu cầu anh em cho các nạn
nhân những điều mà tôi cũng sẽ yêu cầu cho chính anh em nếu anh em lâm
vào cảnh đó.
Lòng tin tưởng của Kỹ-sư đã thông cảm anh em thợ thuyền. Họ đồng tâm,
hiệp lực hoạt động không ngừng, nên hầm khoét mỗi ngày một sâu.
Về mặt khác, Kỹ-sư cho chống lại đường hầm ở nhà Đèn sụp đổ nhiều chỗ,
cố tìm mọi cách để khám phá xem dưới hầm còn có ai sống sót.
Ngày thứ bảy, một người thợ cuốc vừa thay phiên xuống đào, nghe thấy
tiếng lịch kịch nhè nhẹ như có người nện khẽ đâu đây. Đáng lẽ bỏ cuốc
xuống, nhưng người thợ đó cứ giơ cuốc lên rồi áp tai vào sườn than. Song
còn ngờ ngợ, người này gọi một người bạn nữa xuống để cùng nghe. Cả hai
người đều im lặng lắng tai nghe: một lúc sau có những tiếng đập xa xa đều
đều, đến tai họ.
Tin này lập tức bay lên bờ. Người ta nửa tin, nửa ngờ. Kỹ-sư được tin liền
xuống xem hư thực.
Thì ra Kỹ-sư đã làm một việc hữu lý. Ở đó có những người sống sót mà
lòng tin của Kỹ-sư sắp cứu ra được. Nhiều người theo Kỹ-sư xuống chỗ
đào, Kỹ-sư rẽ đám thợ ra, dán tai vào sườn hầm. Nhưng vừa run run vừa
cảm động, Kỹ-sư chẳng nghe thấy gì.