Kỹ-sư thất vọng nói:
- Tôi không nghe thấy gì cả.
Một người thợ nói:
- Đó là tiếng ma mỏ làm ra. Nó muốn trêu ta, nó gõ để đánh lừa ta.
Nhưng hai người thợ đầu tiên nhất quyết rằng họ không nhầm và những
tiếng gõ kia đã đáp lại tiếng gõ của họ. Đó là lời những người kinh nghiệm
ở mỏ nói ra nên cũng có một phần uy tín.
Kỹ-sư liền mời tất cả những người tùy tùng lên bờ, chỉ để hai người thợ
cuốc ở lại.
Lúc đó hai người lấy cuốc gõ mấy tiếng rất mạnh và cách khoảng đều nhau,
rồi ba người đều nín thở áp tai nghe. Đợi một lúc, cả ba người đều nhận
một rung động sâu xa trong trái tim họ. Đó là những tiếng nhẹ yếu nhưng
dồn dập và nhịp nhàng đã trả lời họ.
Kỹ-sư bảo hai người thợ mỏ:
- Các bạn gõ lại rất thong thả xem có phải đó là âm hưởng những tiếng của
ta không?
Hai người thợ cuốc lại gõ thì lại nghe thấy những tiếng nhỏ và nhịp nhàng
như trước nghĩa là những tiếng kêu gọi của những người bị vùi lấp.
Không còn nghi ngờ gì nữa: có những người còn sống sót thực và người ta
phải xúc tiến việc cấp cứu.
Lập tức tin này lan khắp thành phố như một cái ngòi dẫn thuốc nổ và lôi
cuốn đến mỏ Thụy-Khê, một đám dân chúng đông hơn và xúc động hơn
ngày đầu xảy ra nạn lụt. Vợ con, cha mẹ và thân thích những nạn nhân kéo
đến, hy vọng và hồi hộp trong bộ quần áo tang. Họ xôn xao:
“Sống sót được bao nhiêu người? Dễ thường nhiều lắm! Có cả chồng bác,
có cả con tôi nữa, chẳng sai!”
Người ta muốn chạy đến hôn Kỹ-sư. Nhưng thản nhiên trước tiếng hoan hô
cũng như trước lời la ó, Kỹ-sư chỉ nghĩ đến việc cấp cứu. Để ngăn những
người đến xem cũng như thân nhân các người bị nạn, Kỹ-sư phải nhờ lính ở
đồn ra giữ trật tự cho thợ có chỗ làm việc.
Những tiếng kêu cứu nhỏ quá không biết đích từ phía nào đưa đến, người ta
đoán chỉ ở trong ba cái hốc của hầm cũ là nơi thợ có thể lánh nạn được.