và đợi được khen thưởng. Nó có vẻ đắc chí như người vừa làm được công
chuyện gì rất khó khăn. Tôi đứng trơ ra không hiểu gì, thình lình Mã-Tư
giật phắt lấy đôi bít-tất và cầm tay tôi kéo vào trong ngõ.
Anh bảo tôi:
- Chúng ta đi nhanh lên nhưng đừng chạy.
Một lúc lâu, anh mới bảo tôi tại sao chúng tôi phải tiến vào lối ấy.
Anh nói:
- Lúc nãy tôi cũng kinh ngạc như anh, đang nghĩ đôi bít-tất đó ở đâu ra,
chợt có tiếng người đàn ông kêu: “có kẻ cắp, nó đâu rồi?” Kẻ cắp chính là
Lãnh-Nhi, anh có hiểu không? Nếu không có sương mù thì chúng ta đã bị
bắt giam như những kẻ cắp rồi còn gì!
Tôi hiểu lắm. Tôi tức nghẹn lại, không nói lên được. Người ta đã luyện con
Lãnh-Nhi, con Lãnh-Nhi ngay thẳng thành một con chó đi ăn cắp.
Tôi bảo anh Mã-Tư:
- Chúng ta trở về đi. Buộc dây vào cổ nó mà dắt.
Mã-Tư không nói câu gì hơn nữa. Chúng tôi bước nhanh về xóm Hồng-Sư.
Đến nhà, cha mẹ và con cái đang mải gấp vải quanh bàn. Tôi ném đôi bít-
tất mới vào bàn. Á-Lang và Á-Niên cười ầm lên.
Tôi nói:
- Đây là đôi bít-tất mà con Lãnh-Nhi vừa ăn cắp được, vì người ta đã dạy
nó ăn cắp. Con tưởng dạy thế để chơi thôi.
Tôi nói giọng run run nhưng không kém phần cương quyết.
Cha tôi hỏi:
- Nếu dạy thế không phải để chơi thì mày làm gì? Nói cho ta nghe.
- Con sẽ lấy dây buộc cổ nó. Mặc dầu con thương nó, con quyết dìm nó
xuống sông Ta-Mi nếu nó còn làm thế. Con không muốn con Lãnh-Nhi
thành kẻ cắp và con cũng không muốn cả con là đứa ăn cắp. Nếu mai mốt
việc đó xẩy đến cho con, con quyết sẽ gieo mình xuống sông theo Lãnh-
Nhi ngay lập tức.
Cha tôi trông thẳng mặt tôi, giận dữ, trợn mắt nhìn để áp bức tôi. Tôi cũng
giương mắt nhìn lại. Nét mặt cha tôi bỗng dịu dần. Cha tôi bảo: