Đó là việc tôi cố gắng. Nhưng Mã-Tư có đầu óc của Mã-Tư. Tôi không tài
nào khuất phục nổi anh được.
Anh tức giận bảo tôi:
- Nếu không bằng lòng, anh cứ việc cộp vào đầu tôi đi. Nhưng anh hãy
nghe tôi.
Vì thế tôi bắt buộc phải nghe những câu hỏi của anh.
“Tại sao Á-Lang, Á-Niên, Á-Ninh và bé Cát, tóc đỏ cả mà tóc tôi lại không
đỏ?”
“Tại sao mọi người trong gia đình, trừ em Cát thơ dại ra, lại bạc đãi tôi như
một con chó ghẻ?”
“Những người không giầu có gì lại may mặc cho con những quần áo có
đăng-ten, thế là thế nào?”
Để trả lời những “tại sao” và “thế nào” của anh, tôi có những câu đáp rất
hay, đồng thời cũng là những câu hỏi:
“Tại sao gia đình Điệp-Công lại tìm tôi nếu tôi không phải là con họ?”
“Tại sao vô cớ gia đình đó lại bỏ tiền ra cho Bảo-Liên và Phòng Cố vấn
Pháp luật Greth and Galley?”
Về hai điểm này, Mã-Tư “trả lời” rằng anh chịu không “trả lời” được. Tuy
nhiên anh vẫn không chịu thua, anh nói:
- Tôi không trả lời được những câu hỏi của anh, không phải là tôi nhầm
trong những câu tôi hỏi mà chính anh cũng không trả lời được. Một người
khác vào chỗ tôi, người đó có thể biết rõ tại sao quý ông Điệp-Công cần
tìm anh và bỏ tiền ra với mục đích gì. Còn tôi, tôi không tìm ra được vì tôi
không tinh khôn và vì tôi không biết gì là gì.
- Anh đừng nói thế. Trái lại, anh là một người rất tinh khôn.
- Nếu tôi tinh khôn, tôi đã cắt nghĩa ngay được những điều tôi cảm thấy mà
không cắt nghĩa được: không, anh không phải là con gia đình đó. Một ngày
kia, thế nào chuyện đó cũng vỡ tung ra. Tôi tin chắc thế. Có điều bây giờ
anh cứ khăng khăng không chịu mở mắt, thành ra anh làm chậm cái ngày
giải thoát đó thôi. Tôi biết cái anh gọi là tinh thần gia tộc nó ràng buộc anh,
nhưng anh đừng để nó làm mê muội anh.
- Nhưng anh bảo tôi làm gì bây giờ?