cho con hôm nó mất tích, vì phải nhớ cách ăn mặc thế nào thì mới hòng tìm
được chứ!
- Hãy đợi từ nay đến hôm cha tôi trả lời. Anh đừng đặt những giả thuyết
nữa. Tôi van anh.
- Không phải tôi đặt giả thuyết. Đó là ý kiến của anh vì anh bảo cha anh có
khi quên chăng.
- Thôi, chúng ta đợi xem.
Hỏi lại cha tôi cách ăn mặc của tôi thế nào khi tôi bị bắt trộm thực là một
việc khó khăn. Nếu tự nhiên, không có ẩn ý gì mà tôi hỏi một cách ngây
thơ thế thì dễ lắm. Nhưng đằng này, tôi định tâm dò hỏi thì lại thấy chút
chát và ngài ngại. May sao, một hôm trời mưa lạnh, chúng tôi về nhà sớm
hơn ngày thường. Tôi hết sức lấy can đảm đưa câu chuyện về vấn đề thắc
mắc trên đã từng làm cho tôi đau đớn.
Tôi mới thò ra mấy tiếng đầu, cha tôi đã nhìn mặt tôi, soi mói ở mắt tôi như
những lần tôi nói câu gì phật ý cha tôi. Tôi cứ bình tĩnh nhìn cha tôi, tự
nhiên như thường.
Tôi tưởng cha tôi sắp cáu tiết, tôi liếc mắt nhìn Mã-Tư – lúc đó anh ngồi
giả vờ như không để ý gì cả – có ý bảo cho anh biết là anh đã xúi dại tôi.
Nhưng cha tôi không làm gì cả. Khí tức đã bốc hết rồi, cha tôi mỉm cười có
vẻ thâm độc nhưng cũng là một nụ cười.
Cha tôi nói:
- Cái đã làm cho ta dễ tìm thấy con chính là cách ăn mặc của con trong
ngày con bị bắt trộm, một cái mũ vải viền đăng-ten, một cái áo cụt tay cũng
có đăng-ten, một tấm lót và một cái áo dài bằng nỉ mỏng, một đôi bít-tất
len, một đôi giầy đan, một cái áo choàng có mũ chùm đầu bằng cát-sơ-mia
trắng gấu thêu. Ta hy vọng nhiều nhất vào những dấu hiệu Đ.P., nghĩa là
Điệp-Công-Phan, tên của con. Nhưng thiếu nữ bắt trộm con đã khôn khéo
cắt mất hai chữ đó để mất lối tìm kiếm. Ta đã phải xuất trình giấy chứng
thư “rửa tội” xin ở nhà thờ, người ta đã trả lại và hiện giờ ta vẫn còn giữ
đây.
Nói xong, cha tôi vui vẻ – cái vui vẻ bất thường – lục ở ngăn kéo và lấy
một tờ giấy lớn có nhiều dấu đưa cho tôi xem.