Nhưng khi về đến xe hàng, một sự khó khăn hiện ra. Khi tôi báo tin đó cho
cha tôi biết, cha tôi bảo rằng:
- Ngày mai ta cần đến Lãnh-Nhi, con không thể đem đi được.
Nghe câu đó, tôi hoảng hốt: người ta lại định dùng Lãnh-Nhi để làm việc
bất lương chăng? Nhưng cha tôi đã phá tan mối nghi ngờ đó.
Cha tôi nói:
- Lãnh-Nhi thính tai lắm. Nó nghe được những tiếng động rất sẽ, giữ việc
canh xe rất tốt. Ở chốn đông người và lộn xộn này, người ta dễ “ăn cắp”
của ta. Vậy mai con cứ đi làm với Bốp, nếu đêm về muộn, điều này rất có
thể xẩy ra, các con cứ việc đến tìm ta ở quán “Cây Sồi” vì ta sẽ trọ ở đó.
Tối nay ta sẽ cho xe về đó.
Quán trọ “Cây Sồi” ở về vùng quê, cách đấy độ hai ba cây số, một nơi vắng
vẻ và buồn. Hai vợ chồng chủ quán trông người rất giảo quyệt. Chúng tôi
đã ngủ ở đây đêm trước. Đêm về nhà trọ đó cũng không khó, đường thẳng
dễ đi, ngại cái là sau một ngày mệt nhọc phải đi bộ hơi xa thôi.
Sáng hôm sau, tôi dắt Lãnh-Nhi chơi loanh qoanh cho nó ăn uống tử tế:
không sợ thiếu thốn gì nữa, tôi buộc nó vào bên xe để nó coi giữ. Rồi Mã-
Tư, và tôi cùng nhau đến Trường Đua.
Đến nơi, chúng tôi phải cử nhạc ngay, và cứ như thế, không một phút nghỉ
ngơi làm cho đến tối. Những đầu ngón tay tôi đau nhức như muôn nghìn
cái kim châm. Mã-Tư thổi kèn nhiều quá, nhọc hết cả hơi. Tuy nhiên anh
vẫn làm phải tiếp tục làm việc. Bốp và các bạn anh vẫn nhẩy lộn và làm trò,
chúng tôi không thể im phắt âm nhạc. Tối đến, chúng tôi tưởng được nghỉ,
nhưng anh em lại bỏ lều mình sang quán rượu bên cạnh diễn trò hăng hái
hơn trước.
Tôi gẩy đàn như cái máy, được chăng hay chớ, chẳng biết mình gẩy cái gì
nữa. Mã-Tư miệng thổi kèn, mắt đờ ra, cũng chẳng biết mình phải làm gì
hơn tôi. Đã hai mươi lần Bốp tuyên bố xuất này là xuất chót, đã hai mươi
lần chúng tôi lại phải bắt đầu một xuất mới. Rồi cứ thế, kéo mãi cho đến
nửa đêm.
Chúng tôi mệt lử. Các bạn chúng tôi dùng sức nhiều hơn chúng tôi cũng
kiệt lực: vì thế trong một trò họ đỡ hụt, cái gậy lớn rơi ngay vào đầu bàn