chân Mã-Tư. Đau quá, Mã-Tư rú lên. Bốp và tôi vội vàng lại săn sóc anh.
Tôi tưởng anh đến nát bàn chân, nhưng may sao vết thương chỉ rách thịt
chảy máu và sưng lên, chứ xương chân không việc gì. Tuy nhiên, Mã-Tư
không đi được nữa. Làm thế nào bây giờ?
Đành phải để anh ngủ lại xe anh Bốp, còn tôi, một mình, trở về quán trọ
Cây Sồi. Tôi cũng cần phải về để biết xem gia đình Điệp-Công định đi đâu?
Mã-Tư giữ tôi hai ba lần, anh bảo tôi:
- Anh đừng về nữa. Sáng mai chúng ta cùng về với nhau.
- Ngộ mai, không tìm thấy ai ở đấy thì sao?
- Như thế càng hay. Chúng ta sẽ được tự do.
- Nếu tôi muốn bỏ gia đình Điệp-Công, thì tôi không làm lối ấy! Vả anh
tưởng họ không đuổi kịp ta chăng! Anh thoát đâu được với bàn chân đau
ấy?
- Vậy mai chúng ta cùng về cả. Anh đừng đi đêm nay, tôi sợ lắm.
- Sợ gì?
- Tôi không biết, tôi sợ cho anh.
- Anh để tôi đi. Tôi hứa ngày mai sẽ trở lại.
- Nếu người ta giữ anh thì sao?
- Sợ họ giữ thì tôi để cây đàn ở đây. Mai tôi phải lộn đến lấy.
Thế rồi mặc dầu anh Mã-Tư sợ lo cho tôi, tôi cứ ra về, trong lòng không
thấy sợ hãi gì.
Sợ ai? Sợ cái gì? Ai làm gì một đứa bé khốn nạn như tôi?
Tôi không sợ sệt chút gì, nhưng lòng tôi thấy cảm động. Từ ngày tới Luân-
Đôn đây là lần thứ nhất mà tôi đi một mình không Mã-Tư, không Lãnh-Nhi
bên cạnh. Nỗi lẻ loi đó cùng với những tiếng huyền bí của đêm khuya làm
tôi nao lòng. Vầng trăng trên đầu tôi tỏa một ánh sáng nhợt nhạt, làm tôi
buồn thêm.
Tuy nhọc thực, nhưng tôi bước nhanh và không mấy lúc đã đến nhà trọ Cây
Sồi. Tôi nhìn mãi không thấy hai chiếc xe nhà tôi đâu. Chỉ có hai ba chiếc
xe bò mui vải, một cái quán lớn bằng gỗ ván và hai chiếc xe chở đồ bưng
bít, khi tôi lại gần có tiếng hươu nai ở trong đưa ra. Nhưng chiếc xe ngựa
sơn màu rực rỡ của gia đình Điệp-Công ở đâu không thấy.