- Thế còn chân anh thế nào?
- Khỏi hay gần khỏi, tôi không có thì giờ nghĩ đến.
Những đường giao thông ở Anh không giống ở Pháp. Từ chỗ nọ đến chỗ
kia lại có những trạm gác mà người ta phải trả tiền mới đi qua được. Khi
chúng tôi tới gần một trạm đó, Bốp bảo chúng tôi im tiếng và không được
cựa cạy. Những người đứng canh chỉ trông thấy xe ngựa do một người đánh
đi, Bốp bông lơn với họ vài câu rồi cứ thẳng tiến.
Anh có tài làm trò hề nên hóa trang rất khéo. Anh đang đóng vai chủ trại.
Giá có người rõ quen anh đứng nói chuyện với anh bây giờ cũng không
nhận ra anh.
Xe chúng tôi đi rất nhanh, vì ngựa tốt mà Bốp lại là một tay đánh xe tuyệt
giỏi. Tuy nhiên, chúng tôi phải dừng lại một lúc để cho ngựa thở và ăn.
Chúng tôi không vào hàng quán nào. Chúng tôi nghỉ ở giữa rừng, tháo
cương ra và đeo vào cổ nó một giỏ đầy thóc lấy ở trong xe.
Đêm xuống tối đen. Chúng tôi không sợ bị bắt nữa. Lúc đó tôi liền ngỏ
cùng anh Bốp những lời cảm ơn chân thành của tôi, nhưng anh không để
tôi nói hết những điều cảm xúc trong lòng tôi.
Anh bắt tay tôi và đáp:
- Anh đã giúp tôi. Hôm nay tôi giúp lại anh. Mỗi người một lần chứ. Vả lại
anh là anh của Mã-Tư, đối với một người bạn tốt như Mã-Tư, không ai là
người tiếc công cả.
Tôi hỏi anh sắp đến Lít-Hăm-Tông chưa, anh trả lời còn hơn hai dặm nữa
mà phải đi nhanh mới được, bởi vì thuyền của người anh anh thứ bảy nào
cũng đi Ích-Nhi. Mà nước triều kỳ này có lẽ lên sớm. Hôm nay là thứ sáu
rồi. Chúng tôi lại lên xe, Mã-Tư và tôi lại nằm chỗ cũ dưới tấm vải dầy.
Con ngựa được ăn và nghỉ ngơi, chạy như bay.
Mã-Tư hỏi tôi:
- Anh có sợ không?
- Có và không. Tôi rất lo bị bắt lại. Nhưng chắc chắn người ta không bắt
được tôi. Trốn đi, có phải là nhận mình có lỗi không? Đó là điều mà tôi bứt
rứt nhất. Biện bạch chỗ đó làm sao được?
- Chúng tôi đã nghĩ đến điều đó, nhưng Bốp bảo không nên để anh bị giải