Mã-Tư không ai muốn trở lại một nơi mà mình đã sợ và lánh cho nhanh.
Bước chân lên đất Pháp, chúng tôi chỉ còn những quần áo đang mặc trong
người và những nhạc khí của chúng tôi thôi. Mã-Tư đã cẩn thận giữ cho tôi
cây thụ-cầm mà tôi đã gửi lại ở lều anh Bốp để đi quán trọ Cây Sồi. Còn
hai túi đồ đạc của chúng tôi thì vẫn còn để ở trong xe của gia đình Điệp-
Công. Chúng tôi rất băn khoăn về việc này, chúng tôi không thể tiếp tục
nghề cũ vì không có sơ-mi, không có bít-tất dài và nhất là không có giấy
căn cước.
May sao, Mã-Tư còn để dành được 12 phật-lăng, thêm vào đó phần tiền mà
anh Bốp đã chia cho chúng tôi sau buổi diễn ở Trường Đua 22 đồng
Shillings hay 27 phật-lăng rưỡi, thành ra chúng tôi có gần 40 phật-lăng,
một món tiền khá lớn cho chúng tôi.
Mã-Tư đã đem số tiền này biếu cho anh Bốp để đỡ anh những khoản chi
tiêu về việc vượt ngục của tôi, nhưng Bốp không nhận, anh nói:
- Ai lại lấy tiền công khi giúp bạn.
Ở thuyền Nguyệt-Thực lên, công việc thứ nhất của chúng tôi là phải tìm
mua một cái túi cũ của nhà binh, hai áo sơ-mi, hai đôi bít-tất dài, một
miếng xà-phòng, một cái lược, kim, chỉ, cúc và một thứ nữa rất cần thiết là
bản đồ nước Pháp.
Thực vậy, bây giờ ở đất Pháp rồi. Chúng tôi biết đi đâu? Đi đường nào? Đi
thế nào?
Đó là một vấn đề làm rối óc chúng tôi từ khi ở Ích-Nhi ra đường Bay-ơ
(Bayeux).
Mã-Tư nói:
- Theo ý tôi, không có đường nào hơn kém cả, đi sang bên phải hay rẽ sang
bên trái cũng được. Tôi chỉ cần có một điều.
- Điều gì?
- Là theo dòng sông lớn, sông con hay sông đào, vì tôi có một ý định.
Tôi chưa kịp hỏi đến ý định của anh, anh nói tiếp:
- Tôi nghĩ cần phải cắt nghĩa ý định của tôi cho anh nghe. Khi mà An-
Tuyên còn ốm, mẹ cậu còn phải đưa cậu đi chơi như ngày nào anh đã gặp
trên thuyền “Thiên-Nga”.