nhìn thấy.
Từ tỉnh Bùi đến tỉnh Ru-Ăng (Ruoen), chúng tôi thăm tìm nhưng vô ích.
Đến tỉnh En-Bớp (Elbeuf), chúng tôi hỏi, chả ai trông thấy Thiên-Nga. Đến
Pô-Dơ (Poses), nơi này ngang sông có đập, thuyền bè xuôi ngược đều phải
đi qua. Chúng tôi hỏi, người coi đập trả lời không hề gặp con thuyền lạ đó
bao giờ.
Chúng tôi không nản chí, cứ ngược theo bờ sông đi, tới Ba-Lê và quá Ba-
Lê.
Chúng tôi đi không những để mỗi ngày tiến thêm một quãng đường mà còn
phải dừng lại đây đó để đàn hát, diễn trò để mưu sinh. Sau năm tuần lễ,
chúng tôi đi tới Sa-Tăng-Tanh (Charentin).
Đến đây một câu hỏi được nêu ra: chúng tôi phải theo sông Xen hay theo
sông Mạc (Marne) – là sông nhánh đổ vào sông Xen. Ngồi trước tấm bản
đồ, tôi do dự không biết chọn đường nào.
May sao, trong khi chúng tôi đang bối rối và ra bến dò hỏi, một người chủ
thuyền cho chúng tôi biết là lần thứ nhất, ông ta được trông thấy một con
thuyền du lịch có hiên, giống như Thiên-Nga. Mã-Tư vui sướng quá nhẩy
nhót trên bến. Anh lấy vĩ-cầm đánh một khúc khải hoàn hùng tráng.
Trong khi đó, tôi tiếp tục hỏi, người chủ thuyền vui lòng trả lời cặn kẽ
những câu hỏi của tôi. Tôi không còn ngờ gì nữa. Con thuyền lạ người ta đã
gặp chính là Thiên-Nga. Thuyền đó qua bến này cách đây hai tháng và
ngược dòng sông Xen.
Hai tháng! Một thời gian quá xa rồi! Nhưng có hề chi. Chúng tôi cứ việc đi
rồi chúng tôi phải đuổi kịp, mặc dầu chúng tôi đi bằng chân mà con thuyền
thì do ngựa kéo.
Vấn đề thời gian không quan hệ, quan hệ nhất là hiện diện của thuyền
Thiên-Nga. Nay Thiên-Nga vẫn còn ở Pháp, thế là chúng tôi vững lòng.
Mã-Tư kêu lên:
- Ai có lý, hở anh?
Tôi chỉ cười và không đáp.
Thiên-Nga ở trước mặt, chúng tôi chỉ có việc theo dọc bờ sông Xen thôi,
không cần dừng lại để hỏi ai nữa.