Nhưng đến tỉnh Mô-Rê (Moret), có một sông nhánh chẩy vào sông Xen,
chúng tôi lại phải hỏi xem Thiên-Nga theo ngả sông nào. Rồi đến Mông-Rô
(Montereau), chúng tôi lại phải hỏi lần nữa.
Lần này, Thiên-Nga đã bỏ sông Xen để sang sông Ôn (Yonne). Người ta
bảo thuyền đó đã rời Mông-Rô cách đây hơn hai tháng, trên thuyền có một
bà người Anh và một đứa con trai nằm dài trên giường.
Theo sông Ôn, chúng tôi càng đi càng gần nơi Lệ-Hoa ở. Lòng tôi hồi hộp.
Tôi mở bản đồ ra xem: đến Goa-Nhi (Joigny), không biết bà Mỹ-Lưu chọn
sông đào Buốc-Gô (Bourgogne) hay kênh Niên (Nivenais).
Chúng tôi đi tới ngã ba sông Ôn và sông Ác-Măng (Armençon), biết Thiên-
Nga vẫn ở sông Ôn: chúng tôi sẽ được qua Đơ-Di và thăm Lệ-Hoa. May ra
cô đã thấy bà Mỹ-Lưu và An-Tuyên, cô sẽ kể cho chúng tôi biết.
Từ khi chúng tôi chạy theo Thiên-Nga, đến đâu chúng tôi cũng chỉ diễn cho
mau cho chóng để đi. Lãnh-Nhi, một kịch sĩ kiên nhẫn, không hiểu sao
chúng tôi lại vội vã thế, không để cho Lãnh-Nhi có thì giờ ngậm bát gỗ
ngồi lỳ trước quý khán giả cố tình không mở túi? Phải biết đợi chứ!
Nhưng chúng tôi không đợi, vì thế số thu nhập càng ngày càng kém. Gia dĩ,
số 40 phật-lăng của chúng tôi còn lại cũng mòn dần. Không những không
kiếm thêm ra, chúng tôi còn ăn vào vốn. Nhưng Mã-Tư cứ giục.
- Chúng ta đi mau lên để đuổi kịp Thiên-Nga.
Tôi cũng họa theo:
- Chúng ta đi mau lên!
Tối đến, không bao giờ chúng tôi kêu mệt, mặc dầu đã đi những độ quá dài.
Không những thế, chúng tôi còn bảo nhau sáng hôm sau đi thật sớm.
Mã-Tư là người thích ngủ, nên vẫn nhắc tôi:
- Sáng mai gọi tôi nhé!
Mỗi khi tôi gọi, không bao giờ anh dậy chậm, sốt sắng sửa soạn đi luôn.
Muốn để dành tiền, chúng tôi hạn chế các khoản chi tiêu. Trời nắng, Mã-Tư
tuyên bố không muốn ăn thịt vì “mùa hè ăn thịt thì độc”. Chúng tôi chỉ
dùng bánh mì và trứng mặn hay chút bơ thôi. Chúng tôi đi qua miền sản
xuất rượu vang, mà chúng tôi chỉ uống nước lạnh.
Chúng tôi không hề phàn nàn. Tuy vậy Mã-Tư thỉnh thoảng cũng có ý thèm