Tôi lại hỏi Mã-Tư về bà Mỹ-Lưu, nhưng anh không muốn trả lời hoặc anh
nói lảng ra chuyện khác.
Theo lời bà Mỹ-Lưu dặn, chúng tôi tìm đến khách sạn An-Sơn. Mặc dầu
chúng tôi đeo bộ quần áo của phường hát rong đến nơi, chúng tôi rất được
trịnh trọng đón tiếp, một người đầy tớ mặc bộ đồ đen, cà vạt trắng đưa
chúng tôi nhận buồng. Phòng chúng tôi lịch sự quá! Có hai cái giường
trắng. Cửa sổ trông ra hồ. Chúng tôi nhìn xuống một phong cảnh tuyệt đẹp.
Khi chúng tôi nhận phòng rồi, người đầy tớ cứ đứng im, lễ phép đợi lệnh
chúng tôi. Thấy chúng tôi không bảo gì, người đầy tớ hỏi:
- Các cậu muốn ăn gì để chúng tôi dọn ra hiên ngồi cho mát.
Mã-Tư hỏi:
- Ở đây có bánh nhân mứt không?
- Có nhiều thứ: bánh nhân đậu, bánh hạt sen, bánh hạnh nhân.
- Thế anh cho các thứ ấy.
- Cả ba thứ?
- Hẳn thế.
- Món ăn đầu, các cậu dùng thịt quay hay dùng rau?
Mỗi câu người đầy tớ hỏi, Mã-Tư lại mở to mắt ra, nhưng không tỏ vẻ bối
rối.
Anh đáp:
- Tùy anh, thứ gì cũng được.
Người đầy tớ đi ra.
Mã-Tư bảo tôi:
- Ăn ở đây có lẽ thú hơn ở nhà Điệp-Công nhỉ?
Sáng hôm sau, bà Mỹ-Lưu đến thăm chúng tôi, đưa thợ may đến đo người
chúng tôi để may quần áo và sơ-mi. Bà cho chúng tôi biết Lệ-Hoa đang tập
nói và thầy thuốc bảo cô đã khỏi bệnh rồi. Bà ở lại chơi với chúng tôi một
giờ. Bà đứng dậy về. Bà âu yếm hôn tôi và bắt tay anh Mã-Tư.
Bà đến thăm chúng tôi như thế liên tiếp bốn ngày, mỗi ngày lòng âu yếm
của bà càng thấy nồng nàn hơn, tuy nhiên bà vẫn có ý giữ gìn. Ngày thứ
năm, người thị nữ mà tôi đã trông thấy trong thuyền Thiên-Nga ngày xưa
đến thay bà. Chị ta bảo rằng bà Mỹ-Lưu ở nhà đợi chúng tôi và có xe đến