vỗ tay tán thưởng.
Sở dĩ sáng nay công chúng đến đông như vậy là vì họ biết chuyện xảy ra
hôm trước. Họ đem theo cả bạn hữu đi. Ở Tu-lu, họ không thích Cảnh binh.
Họ tò mò muốn xem ông già Ý khu xử thế nào. Mặc dầu Vỹ-Tiên ngọt
ngào nói: “Thưa ngài, đến mai!”, người ta cũng đoán được rằng sự gặp gỡ
hôm nay sẽ có nhiều trò vui thích do ông già “cương” ra để trêu người cảnh
binh vụng về và bẳn tính.
Vì thế khi thấy có một mình tôi với con Hảo-Tâm, mấy người khách đã hỏi
tôi:
- Ông già Ý không đến à?
- Ông sắp đến.
Rồi tôi tiếp tục hát bài “Dân ca” của tôi. Một lát sau, không phải thầy tôi
đến mà là viên cảnh binh đến. Hảo-Tâm nhìn thấy trước, nó liền khuỳnh tay
lên sườn, ngửa đầu về đằng sau, đi đi lại lại nghênh ngang trong vòng dây.
Công chúng vỗ tay cười nhiều lần.
Viên Cảnh binh bực tức tròn xoe mắt nhìn tôi.
Công chúng lại cười ầm.
Tôi cũng buồn cười, nhưng lo quá, không biết chuyện này sẽ đi đến đâu.
Nếu thầy tôi ở đây, thầy tôi sẽ đối đáp với viên cảnh binh. Nhưng tôi có
một mình, không biết ăn đối làm sao nếu người cảnh binh hỏi tôi.
Người cảnh binh trông mặt hầm hầm, có ý tức giận lắm.
Ông ta đi đi lại lại ngoài dây, mỗi khi qua mặt tôi, ông lại liếc qua vai lườm
tôi, tôi sợ có điều chẳng lành.
Con Hảo-Tâm không hiểu tình hình rất khẩn trương đó, cứ trêu người cảnh
binh mãi. Nó cũng đi đi lại lại, qua mặt tôi, nó cũng ngẹo cổ lườm tôi và
nhăn nhó làm cho công chúng cười phá lên.
Không dám để cho người cảnh binh khích nộ đến cực điểm, tôi gọi con
Hảo-Tâm vào, nhưng nó không chịu vì cái trò đó đang làm nó đắc chí. Tôi
đuổi bắt nó thì nó lại tuột đi.
Người cảnh binh đang lúc nổi sung, lóa cả mặt, tưởng tôi thúc giục con khỉ
làm trò trêu ông ta, liền nhảy tót vào trong dây.
Chỉ hai bước là ông ta đến bên tôi và tát tôi một cái ngã gục xuống.