« Hay thay ! Sở học của tiên-sinh. Thật là rộng lớn mà tinh-vi vậy, dẫu
đọc bất cứ ngàn muôn kinh-sách nào cũng rõ nghĩa-lý được.
« Tiên-sinh không khứng ra làm quan, nên đại-khái không thấy được
sự-nghiệp. Từ thuở tiên-sinh lấy lối học nghĩa-lý để giáo-hóa, chẳng những
đương thời đào-tạo được nhiều bậc nhân-tài mà còn truyền-thuật, giảng-luận
trau-giồi về sau, tới nay dân-gian trong sáu tỉnh Nam-kỳ, tỏ lòng trung-
nghĩa, cảm phát dám hy sinh tới tính-mạng, xét ra tuy nhờ đức thân-nhân
của quân-vương nhuần-gội, cố kết nhân-tâm, nhưng nếu không có công-đức
mở-mang huấn-dục của tiên-sinh từ thuở trước thì làm sao có được nhân tâm
như thế.
« Đến năm nhâm-tí 1792, ngày mồng 9 tháng 6, tiên-sinh ra người
thiên cổ. Lòng vua cảm-mến tiếc-thương ân tứ hiệu « Gia-định xử-sĩ Sùng-
đức Võ tiên-sinh » để ghi vào mộ.
« Sau thời thái-bình, chư công môn-đệ của tiên-sinh tản-lạc xa xôi,
không thể nêu cao tài đức tiên-sinh được. Tới triều Tự-đức năm thứ 5
(1852), được chỉ vua ban chuẩn lập phường để tinh-biểu tại huyện Bình-
dương, làng Hòa-hưng, bậc đồng-nhân lại lập đền thờ, hiến ruộng để phụng
tự, mỗi năm xuân thu cúng-tế.
« Gần đây, xảy ra việc binh-lửa, cảnh đền thờ hoang-phế, mộ phần lâu
ngày hư-đổ để vậy bất tiện. Cùng với người đồng quận tiên-sinh là Nguyễn
Thông, đốc-học tỉnh Vĩnh-long, chúng tôi hội các thân-sĩ mưu toan việc dời
mộ. Gởi tờ thông thư cùng quan hiến-sứ tỉnh An-giang là Phạm hữu Chánh,
tỉnh Hà-tiên cũng hiệp vào, liền ủy-thác cho bọn tú-tài Võ gia Hội, nhóm các
thôn-mục làng Hòa-hưng, kính cẩn việc khai mộ, thâu liệm hài-cốt trong
quan-quách mới. Cùng nhau thương-nghị nhờ quan học-sứ Nguyễn Thông
đứng chủ tang ; đồ tang-phục thì chiếu theo lễ tế thầy xưa mà sắp-đặt. Việc
tang-lễ làm xong, năm nay (đinh-mão 1867) chọn ngày 28 tháng 3 đưa di-
hài an táng tại trên đất giồng làng Bảo-thạnh, huyện Bảo-an, lại táng luôn di-
hài của đức nguyên-phối và của ấu-nữ.