« Tiên-sinh học sâu, biết rộng, gặp đời loạn Tây-sơn, ở ẩn, dạy học-trò
hàng mấy trăm người. Hạng học-trò cao thì như Ngô tùng Châu. Thứ đến
Trịnh hoài Đức, Phạm ngọc Uẩn, Lê quang Định, Lê bá Phẩm, Ngô nhân
Tịnh, v.v… Hạng danh-sĩ thì như Chiêu và Trúc đều là hai tay dật dân. Còn
những người khác, không kể xiết. Các ông trên này gặp hội gió mây, làm
bậc hiền-tá ở đời Trung-hưng (chỉ triều Gia-long), đều có công-liệt rỡ-ràng ở
đời.
« Hồi vua Thế-tổ ngự ở Gia-định, tiên-sinh thường được vời vào hỏi
chuyện.
« Lại nghe : tiên-sinh học rộng các kinh, và sở trường về bộ Tứ thư.
« Dật nhân Chiêu vốn người túc học, chỉ theo tiên-sinh mà nhận-lĩnh
được cái nghĩa « tri ngôn, dưỡng khí ». Từng thấy trong sách tiên-sinh còn
sót lại có nói : « Sách Đại-học một nghìn bảy trăm chữ, tan ra, vô số việc ;
thu lại, chỉ hai trăm chữ ; lại thu nữa, chỉ một chữ ; lại thu hẳn lại, một chữ
cũng không ». Ấy, cái học của tiên-sinh đã đến tận chỗ lớn-lao và tinh-vi là
như vậy. Dầu đem cách học ấy mà đọc nghìn vạn kinh-sách cũng được lắm.
« Tiên-sinh không xuất chinh, nên không được thấy sơ sự-nghiệp về
chính-trị của tiên-sinh.
« Từ khi tiên-sinh đem cái học nghĩa-lý ra dạy người, chẳng những
đương thời nung-đúc được nhiều nhân-tài, mà do sự truyền-thuật giảng-dụ
mài-giũa, đến giờ, dân lục tỉnh trung-nghĩa cảm phát, liều chẳng tiếc mình,
tuy vì thâm nhân hậu trạch của triều-đình cố kết lòng người, nhưng cũng há
chẳng do công khai đạo của tiên-sinh từ xưa để lại mới được như thế ư ?
« Ngày 9, tháng 6, năm nhâm-tí (1792), tiên-sinh mất, vua rất thương
cảm, ban hiệu là « Gia-định xử-sĩ Sùng-đức Võ tiên-sinh » để khắc vào bia ở
mộ.
« Sau hồi đại định, các ông học-trò của tiên-sinh dần dần tan-tác, không
ai biểu-dương.
« Năm Tự-đức thứ 5, hoàng-thượng sai dựng phường để tinh-biểu ở
thôn Hòa-hưng, huyện Bình-dương.