Trở về nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều về sự việc “đột xuất” nói trên. Đây
có phải là thực tế Thoại tin dùng tôi (với sự gợi ý của Kenđơ) hay đó là một
cái bẫy. Tôi rà soát lại những hoạt động của tôi trước đó, đặc biệt là những
lần chuyển giao tài liệu qua K70. Không có điều gì đáng ngại.
Ngay chiều hôm đó tôi gọi điện cho K70, chúng tôi nói chuyện về gia
đình và công việc. Trong câu chuyện đó là ám hiệu hẹn gặp.
Chúng tôi gặp nhau ở khu chợ của người Việt Nam. Tôi thông báo cho
K70 biết chuyến đi Băng Cốc của tôi có liên quan đến công việc của tổ
chức do Thoại cầm đầu.
Hai hôm sau, tôi và Thoại bay đi Băng Cốc. Biền đưa chúng tôi ra sân
bay. Mặt hắn lạnh ngắt.
Suốt tuần đầu tiên trước buổi họp báo, Thoại hầu như vắng nhà. Mật
độ ở và đi lại của những người Việt ở khách sạn tăng lên. Tôi cảm thấy nó
như một sự nhăng nhít, nghĩ thế tôi bật cười. Thời gian suốt tuần đó, tôi
được tự do. Tôi đi chơi chợ và các khu di tích chùa, đền ở Băng Cốc. Hai
lần tôi thuê taxi đi qua cổng Sứ quán Việt Nam. Nhìn thấy dòng chữ ghi tên
nước ở đó, tôi tưởng òa khóc vì xúc động. Tôi muốn chạy ra khỏi xe, lao
vào Sứ quán mà ôm lấy từng người của mình trong đó. Bạn bè tôi, đồng đội
tôi, nhân dân tôi đang ở trước mắt tôi kia mà sao tôi không đến được. Đêm
về nằm ở khách sạn, tôi không ngủ được. Tổ quốc đang ở rất gần tôi. Chỉ
chưa đầy hai tiếng bay là có thể đặt chân lên Tổ quốc mình. Tôi nghe thấy
rất gần trong đêm hơi thở của những cánh đồng ngoại ô. Tôi đứng rất lâu
bên cửa sổ nhìn về xa. Tôi cứ tin rằng những vùng sáng ở phía xa đó là ánh
điện Hà Nội trong đêm. Trong vùng sáng mơ hồ ấy có mẹ tôi, có Hùng, có
bao bạn bè và cả những người tôi chưa từng quen biết. Trong vùng sáng ấy
có những đường phố cổ kính, mơ mộng với những chiếc xích lô và những
quán phở đêm. Nước mắt tôi cứ ròng ròng chảy trong nỗi nhớ mụ mẫm.