VÒNG NGUYỆT QUẾ CÔ ĐƠN
Nguyễn Quang Thiều
www.dtv-ebook.com
Người Đàn Bà Tóc Trắng
Lần đầu tiên trong đời tôi đi đưa một đám ma rất dài nhưng không hề
có một tiếng khóc. Chỉ có tiếng kèn bát âm réo rắt buồn thảm tựa tiếng
khóc của con người thuở chưa có ngôn ngữ như bây giờ. Đám ma cũng
không có điếu văn. Trong làng có một người chuyên viết điếu văn cho các
cụ già khi về cõi tiên. Thế mà khi bà Nhim chết, người viết điếu văn đành
chịu bó tay. Chôn cất bà Nhim xong, tôi từ ngoài đồng trở về tạt qua ngôi
nhà của người quá cố. Tôi đứng lặng hồi lâu nhìn ngôi nhà. Thuở còn là
học trò trường làng, tôi và lũ bạn học thường lẻn vào vườn nhà bà Nhim ăn
trộm ổi chín. Ngôi nhà lúc nào cũng thâm u như chùa. Sân gạch rộng thênh
thang lác đác lá ổi, lá mít, lá bưởi rụng. Chiếc giếng khơi không biết đào từ
thuở nào, nước bốn mùa trong như mắt mèo và lạnh nhức tay. Suốt cuộc
đời bà Nhim sống ở đó. Hầu như chẳng mấy khi bà ra khỏi ngôi nhà ấy. Bà
là người đàn bà góa chồng từ năm mười bốn tuổi. Gia đình chồng bà giàu
lắm. Bây giờ nhìn nhà cửa, vườn tược còn lại người ta đều dễ dàng nhận
thấy điều đó. Cả gia đình nhà chồng bà người nào cũng xanh bợt như da
nhái bén. Sau khi chồng bà chết, những người trong gia đình chồng bà cũng
lần lượt mất theo. Cũng từ ngày ấy tóc bà đổ trắng cho đến lúc bà tạ thế ở
tuổi tám mươi lăm. Tóc của bà lạ lắm, trong và cứng như cước câu. Suốt
đời bà Nhim không làm ruộng. Bà bán chuối, mít, ổi, đu đủ chín trong khu
vườn rộng của mình mà sống cho đến hết đời. Ngoài ra bà là người duy
nhất trong vùng biết làm thuốc cao để bán. Bà đựng cao trong một cái hũ
sành mà người ta thường dùng đựng mắm tôm. Hễ trong làng trẻ con bị
sưng nhọt, lên quai bị hay nổi hạch đều dùng cao của bà. Người bệnh dán
cao và chỉ sau một đêm mủ ở nhọt được hút sạch vào cao. Bà quết cao vào
miếng lá mít được cắt tròn như đồng năm xu. Bởi vậy người ta gọi thuốc