cao của bà là cao mít. Khách hàng của bà đông lắm. Thậm chí ở cả những
vùng quê rất xa. Ngay cả khi trạm xá xã được thành lập với nhiều loại đông
tây y thì thuốc cao của bà vẫn bán chạy như tôm tươi. Bà cứ thế sống một
mình không cần ai giúp đỡ. Người làng tôi đồn đại biết bao nhiêu chuyện
về bà đến nỗi chúng tôi đôi khi cảm thấy bà như một mụ phù thủy trong
truyện cổ.
Năm bà ngoài bảy mươi thì có một người nữa đến với bà. Đó là một
cô bé ăn mày. Nó gõ cửa nhà bà một chiều đông rét mướt để xin ăn. Bà
nhìn nó bằng đôi mắt trong và lạnh như nước giếng khơi trong vườn.
- Bố mẹ mày đi đâu mà mày đi ăn xin?
- Thưa bà, bố mẹ cháu chết cả rồi.
- Thế mày ở với ai?
- Cháu chẳng ở với ai cả, cháu đi ăn mày suốt năm.
- Tên mày là gì?
- Tên cháu là Nhút.
- Tên với tuổi. Tao đặt tên mày là Gừng cho nó ấm. Ở đây với tao, tao
nuôi.
- Cháu đội ơn bà. Cháu xin ở lại hầu bà.
- Tao không cần người hầu. Nhưng phải nghe lời tao. Tổ tiên cha mẹ
mày ác quá hay cũng đần độn nên giờ mày phải đi ăn xin. Vào đi, người hôi
như chuột. Ra giếng mà tắm.
Từ ngày ấy Gừng ở với bà Nhim. Hằng ngày nó quét dọn nhà cửa, sân
vườn và lấy trái cây để bán. Hàng tháng nó chỉ ra khỏi nhà vào những
phiên chợ. Cũng như bà Nhim, nó sống âm thầm như một bóng ma. Tuổi