hết. Tôi hiểu ra là người Nhật thích pho mát rượu Thụy Sĩ vì nó giống như
trò chơi và họ đã tạo ra một món chẳng còn mùi vị vốn là chi tiết khó chịu
duy nhất của món ăn truyền thống này.
- Ngon tuyệt, tôi khẳng định, cố không phá lên cười.
Rinri thấy nóng và, lần đầu tiên, tôi thấy anh không mặc áo da đanh đen.
Tôi đi lấy một chai xốt cay tabasco, viện cớ là ở Bỉ người ta ăn món pho
mát rượu Thụy Sĩ với ớt đỏ. Tôi nhúng một miếng bánh mì vào chất
polystyrène nóng, lôi lên hàng nghìn sợi tơ, đặt cái khối màu vàng đó vào
trong đĩa và rưới tobasco lên cho nó có mùi vị. Chàng trai nhìn tôi làm trò
và tôi thề là thấy trong mắt anh câu này: “Người Bỉ kỳ quặc thật”. Chính
anh mới thật kỳ quặc.
Chẳng mấy chốc tôi thấy chán món pho mát rượu theo kiểu đương đại.
- Rinri, anh kể cho em nghe đi.
- Ơ, cô lại... xưng em với tôi à?
- Sau khi đã cùng nhau ăn món pho mát rượu thế này thì phải xưng hô anh
em chứ.
Chắc là chất polystyrène vẫn còn đang xâm chiếm trí não tôi, tổng hợp
thành một dạng hoang tưởng thể nghiệm. Trong khi Rinri cố vắt óc tìm ra
chuyện gì đó để kể thì tôi thổi tắt bếp, làm anh chàng Nhật rất ngạc nhiên,
tôi đổ nốt chỗ rượu chống đông vào hỗn hợp cho nó nguội đi, rồi nhúng cả
hai tay vào thứ hồ đó.
Chàng khách của tôi kêu lên:
- Sao cô lại làm thế?