đâm mất tinh thần và không dám mua gì cho mình. Rồi chúng tôi đi tiếp.
Đường phố đông nghịt, nhưng dễ thấy là cư dân ở đây không vội vã. Từng
nhóm nam, nữ vãng lai cười nói vui vẻ. Chúng tôi thấy một người mặc
đồng phục kỳ quặc; tôi nghĩ anh ta đi ăn xin nhưng Li Ok giải thích rằng đó
là một thành viên Đạo quân Hồng phúc, chuyên đi quyên góp giúp người
nghèo.
- Sắp tới Giáng sinh rồi - Li Ok động viên tôi cũng cho anh ta một chút. -
Những dịp thế này nên tỏ ra hào phóng.
Tâm trạng hào hứng của mọi người cũng lan sang tôi, nhưng tôi vẫn thấy
bối rối. Miền Bắc không kỷ niệm Giáng sinh và đại đa số các gia đình còn
chưa nghe về nó. Tại sao miền Nam có phải là một nước phương Tây đâu
mà lại ăn mừng Noel? Cố nhiên, hẳn là vì cư dân ở đây là bù nhìn của đế
quốc Mỹ. Nhưng mà, tôi thấy ai nấy đều hạnh phúc thực sự. Họ mua, mang
vác quà cáp, có người còn hát “Thánh ca”. Bất chợt tôi thấy buồn vì cảm
giác bị ra rìa.
Tôi bất ngờ khi thấy các chủ hiệu ra ngoài phố, đứng trước cửa hàng của họ
và mời chào khách. Phải mất thời gian, tôi mới hiểu rằng ở đây, cạnh tranh
là động lực thúc đẩy thương mại, vì thế Hán Thành mới phát triển đến vậy.
- Tôi đói rồi - tôi bảo mọi người. - Mình có thể ăn cái gì không?
- Tất nhiên rồi - Li Ok đáp. Cô dẫn chúng tôi vào một khu phố nhỏ, chi chít
hàng quán. Những món ăn bày trong tủ kính thật ngon lành: cơm nướng,
tempura, giò thủ, dồi, và cả món ăn chop-chiao của Triều Tiên làm từ mỳ,
các loại rau xanh và thịt - tôi chợt nhận ra là từ mười năm nay, ở miền Bắc
không hề có giò thủ. Và rằng mẹ tôi đã mừng rỡ biết chừng nào khi có bận
bà mua được một trái dưa hấu đã thối đến một nửa…
Giá tôi đưa được gia đình sang đây… Khi trước mặt tôi có bao nhiêu đồ ăn
thức uống thế này, thật đau lòng khi nghĩ đến những khó khăn mà cha mẹ,
các em tôi phải chịu đựng.
- Cô muốn ăn gì? - Li Ok hỏi tôi. - Chúng ta có thể vào bất cứ hiệu nào mà
cô muốn.
Tôi rất mê món dồi nên tôi chỉ một tiệm ăn nhỏ là dồi là món đặc sản của
họ. Quán ăn này chật những khách là khách và đa số đều nhâm nhi sojut,