mức mà tôi không thể mường tượng nổi. Như thể họ ở một hành tinh khác.
Chả hiểu sao miền Bắc chúng tôi lại không hiện đại hóa công nghiệp xây
dựng như thế?
Tôi có biết bao điều muốn hỏi. Chỉ không biết được, tôi còn sống ngần ấy
thời gian để có được lời đáp cho tất cả những gì tôi muốn?
Vài bữa sau, chúng tôi đi xe ngao du một vùng quê, tới thăm cung Duksu.
Tôi được học là người Mỹ đã hủy diệt hoàn toàn văn hóa Nam Hàn, nhưng
cung điện này chính là một di tích được gìn giữ vô cùng hoàn hảo của nền
văn hóa Triều Tiên. Ở đó, tôi được thấy pho tượng vị vua Sedjong, người
làm ra bảng chữ cái Triều Tiên. Tôi vui vì được ra khỏi bốn bức tường,
nhưng từ khi chấp nhận khai báo, nỗi sợ hãi và cảm giác mệt mỏi luôn hành
hạ tôi. Vậy mà bức tượng vẫn khiến tôi thích thú vì tôi chả biết gì về lịch sử
bảng chữ cái Triều Tiên.
Chúng tôi đi tiếp đến một làng nhỏ, coi bộ cũng không khác gì mấy những
làng bản ở miền Bắc, mặc dầu cảnh vật mùa đông khiến nó có vẻ hoang vu.
- Đây là Vondang - Li Ok bảo tôi. - Ngày càng nhiều người lao động thích
đến đây vì không khí ở đây rất trong lành.
Chúng tôi dừng lại trước một khu lán trại xiêu vẹo. Vườn không có cổng
nên chúng tôi đi thẳng tới cửa ra vào để xem có ai trong nhà hay không.
Không có ai cả, cứ thế chúng tôi vào nhà. Thật ngạc nhiên là trong nhà có
hai tủ lạnh và một điện thoại. Ở miền Bắc, ở làng xã chả bao giờ có tiện
nghi như thế.
Khu lán trại hoàn toàn thu hút sự để tâm của những người đi cùng tôi, họ
trò chuyện với nhau.
- Thú vị thật! - Sengju nói. - Ngay ở đây mà cũng có đầy đủ tiện nghi: điện,
tivi. Theo tôi, chỗ này cũng không còn là lán trại thực sự nữa rồi.
- Đúng vậy! - Nak Yong đồng tình. - Ở đây cũng chả còn lãng mạn nữa rồi!
Ngồi bên bếp lửa và nướng khoai mới thật là sướng.
- Các anh có thấy là cửa không khóa? - Li Ok hỏi. - Thử hỏi Hán Thành có
bao nhiêu người không khóa cửa nhà mình?
Chúng tôi ở lại làng một lát rồi trở lại Hán Thành. Li Ok bảo, hay chúng tôi
ra khu chợ ở Cửa quan phía Đông. Đây là nơi có nhiều cửa hiệu và tiệm ăn.