NHÂN CHỨNG BẤT NGỜ
— Bà cố thêm một lần nữa xem sao. Chuyện rất quan trọng.
— Tôi đang cố, thưa bác sĩ. Nhưng tôi không thấy gì hết, ngoài ánh mắt
của con gái tôi.
— Có phải chính ánh mắt này khiến bà sợ? Ánh mắt ấy có gì đặc biệt
không? Có vẻ lo ngại không?
— Không. Chúng tôi đang nói chuyện. Bỗng đến một lúc nào đó, tôi thấy
ánh mắt con tôi. Vậy thôi.
— Bà đang nghĩ gì vào lúc bà gặp ánh mắt của cháu?
— Cháu tám tuổi: Bỗng tôi nghĩ ra… Nhưng thiệt vô lý! Không phải do
con gái tôi lên tám nên ánh mắt của cháu khiến tôi lo ngại.
— Tuy nhiên rất có thể… Câu trả lời sẽ do bà tự tìm ra. Tám tuổi gợi cho
bà kỷ niệm gì?
— Không có gì… Hoặc cũng có… Nhưng điều gì đó hết sức mơ hồ và nó
khiến tôi sợ!
— Bữa nay thế là đủ. Nhưng chúng ta đang đi đúng hướng. Bà sẽ tìm lại
kỷ niệm đã quên là nguyên nhân của tất cả vấn đề…
Eileen L. ngồi dậy, lấy tiền trong ví trả Wilfried Tehorst, một bác sĩ tâm
thần nổi tiếng ở Zurich.
Bà năm nay 31 tuổi, quốc tịch Mỹ, theo chồng sang sống tại Thuỵ Sĩ từ
sau khi kết hôn. Từ nhiều tháng nay bà đến nhờ bác sĩ Tehorst khám do bị
mất một phần trí nhớ khiến bà khủng hoảng thần kinh.
Việc phân tâm đang tiến triển tốt và sắp đem lại kết quả – ít ra đó cũng là
điều bác sĩ Tehorst tin. Và ông không lầm. Trong lần khám tiếp theo, bỗng
Eileen la lên:
— Bác sĩ! Tôi biết tại sao tám tuổi khiến tôi hoảng sợ rồi: Đó là Susan.