“Nó đơn giản hơn nhiều so với bất cứ cái gì từ tay một nhà toán học,
phải không? Có thể đó chính là chỗ sáng kiến, nhưng dù sao cũng hơi làm
người ta thất vọng. Cuối cùng thì chỉ là 1, 2, 3, 4, đúng như cái liên chuỗi
ông chỉ cho tôi hôm trước. Nhưng cũng có thể đó không phải là một câu đố
gì như chúng ta nghĩ, mà chỉ là cách hắn đánh thứ tự những vụ án mạng:
thứ nhất, thứ hai, thứ ba.”
“Phải,” Seldom đáp. “Đó sẽ là trường hợp xấu nhất, vì hắn có thể tiếp
tục giết người đến vô chừng. Nhưng tôi vẫn hy vọng những ký hiệu ấy là
một thứ thách đố, và hắn sẽ ngưng nếu chúng ta cho hắn thấy chúng ta đã
biết cái liên chuỗi ấy là như thế nào. Thanh tra Petersen vừa gọi tôi từ văn
phòng. Ông ta có một ý tưởng, nghĩ rằng đáng đem ra thử, và rõ là đã được
vị tâm lý gia kia tán đồng, về việc đưa tin cho báo chí, ông ta đang thay đổi
cách giải quyết: ông ta sẽ cho tờ Thời báo Oxford đăng một bài về vụ án
mạng thứ ba trên trang nhất ngày mai, với hình cái kẻng tam giác, và một
bài phỏng vấn trong đó ông ta sẽ nhắc đến hai ký hiệu trước. Các câu phỏng
vấn sẽ được gò trước cẩn thận, để tạo ấn tượng như là Petersen đang bị rối
trí vì những vụ án mạng, và thấp cơ hơn tên hung thủ. Theo nhà tâm lý học,
điều này sẽ mang đến cho con người của chúng ta cảm giác thắng lợi vẻ
vang mà hắn khao khát.”
“Mẩu thư ngắn mà tôi viết cho Petersen về hình tứ linh sẽ được đăng
dưới tên tôi, trên số báo thứ Năm, trong cùng cột mục mà họ đã đăng
chương sách của tôi về án mạng hàng loạt. Thế là đủ cho hắn thấy là tôi đã
biết, và có thể đoán trước ký hiệu của vụ án kế tiếp. Nó sẽ giữ cho mọi việc
không vượt qua khỏi tầm mức một thách đố gần như cá nhân mà hắn đã
vạch ra từ đầu.”
“Nhưng giả sử chuyện đó có kết quả,” tôi nói, hơi bị chấn động, “giả
sử, nếu may mắn mà hắn đọc đoạn viết ngắn của ông trên báo thứ Năm, và
may mắn hơn, hắn sẽ ngừng tay, thì làm sao thanh tra Petersen có thể bắt
hắn được?”