Chương 7
“Giữa sự thật và phần nào của sự thật có thể được chứng minh, có
một sự khác biệt. Đó thực chất chính là một trong những hệ luận Tarski đưa
ra cho định lý của Gödel,” Seldom nói. “Dĩ nhiên, các quan tòa, giám định
pháp y, nhà khảo cổ, họ đã biết điều này từ lâu trước các nhà toán học. Thử
tưởng tượng một án mạng có duy nhất hai đối tượng tình nghi. Cả hai đều
biết một đoạn của sự thật có liên quan, nghĩa là, hoặc chính tôi làm hoặc
không phải tôi làm. Nhưng luật pháp không tiếp cận thẳng được với sự thật
ấy; nó phải tuân theo một chu trình vất vả, gián tiếp để thu thập bằng
chứng: nào là thẩm vấn, các chứng cứ ngoại phạm, dấu tay, vân vân.
Thường lệ thì chẳng mấy khi có được đủ chứng cứ để chứng minh kẻ tình
nghi này có tội hay kẻ kia vô can. Về căn bản, điều mà Gödel chỉ ra năm
1930 với Định lý Bất toàn của ông chính là một vấn đề hệt như thế cũng
xảy ra trong toán học. Cơ cấu để chứng thực sự thật bắt nguồn từ tận thời
Aristotle và Euclid, bộ máy kiêu hãnh khởi đầu từ những phát biểu có thật,
những nguyên tắc đầu tiên không thể chối cãi, phát triển theo những bước
logic chặt chẽ đến một chính đề - cái mà chúng ta gọi là phương pháp tiền
đề - đôi khi cũng bất toàn như những tiêu chuẩn áng chừng, khó tin cậy áp
dụng trong luật pháp.”
Seldom ngừng lại một lúc và nhoài sang bàn bên cạnh với lấy một
chiếc khăn giấy. Tôi tưởng ông định viết một công thức lên đó, nhưng ông
chỉ lau miệng rất nhanh rồi tiếp tục: “Gödel chỉ ra rằng ngay ở những cấp sơ
đẳng của số học, đã có những mệnh đề không thể chứng minh hay phản bác
bắt nguồn từ những tiền đề, những mệnh đề nằm ngoài tầm của những cơ
chế mang tính hình thức trên, và thách thức bất cứ ý định nào muốn chứng
minh chúng; những mệnh đề chẳng quan tòa nào phán quyết được là thật