Thời kỳ thứ nhất Việt Nam lấy ba tỉnh ở
Chân Lạp
Cứ theo sử ta và sử Tàu, từ quãng thế kỷ thứ VI và thứ VII trở về
trước, cả miền tây nam sông Cửu Long (Mékong) đều gọi là đất
Phù Nam.
Vào cuối thế kỷ thứ VII, đất Phù Nam chia ra làm hai: nửa về
tây bắc thì người Thái từ miền đông bắc Ấn Độ và miền tây nam
nước Tàu tràn xuống ở, gọi là nước Xích Thổ; nửa về đông nam thì
người Phù Nam ở, gọi là nước Chân Lạp tức là xứ Cao Miên ngày nay.
Vào quãng thế kỷ thứ XI và XII, nước Xích Thổ lại chia ra làm hai
nửa, một nước gọi là La Đấu, một nước gọi là nước Tiêm. Vào thế kỷ
thứ XIII và XIV, sử Tàu có chép hai nước ấy sang cống nhà Nguyên.
Về sau nước La Đấu gồm cả nước Tiêm, mới gọi là nước Tiêm La
Đấu. Đến cuối thế kỷ thứ XIV, vua nước Tiêm La Đấu sang cầu
phong nhà Minh bên Tàu, vua Thái tổ nhà Minh mới phong là nước
Tiêm La, tức Xiêm La, hay Thái Lan bây giờ vậy.
Tiêm La lúc đầu còn yếu, thường bị nước Chân Lạp áp chế. Sau
cường thịnh dần dần lên, rồi vào khoảng năm Vạn Lịch nhà Minh
(1573-1620), nước Tiêm La lại đánh lại nước Chân Lạp, bắt được
hoàng thân Chân Lạp là Srey-Sauryopor đem về nước. Srey-
Sauryopor về sau lại phục hưng lại Chân Lạp, dời đô về đóng ở
Lovéa-Êm, ngay chỗ Phnom-Penh bây giờ (1604).
Năm 1618, vua Chân Lạp Srey-Sauryopor truyền ngôi cho con là
Chey-Chetta II và đến năm sau thì mất.