quốc gia. Ý đó thực hay, nhưng ông Galtier Boissière, chủ báo
Crapouillot và trợ bút đắc lực của báo Canard Enchaîné, không
hoan nghênh; ông Boissière này muốn rằng trong nước Pháp sẽ lập
thêm một nhà chiếu bóng thôi, nhưng một nhà chiếu bóng tự do
(cinéma libre) không do ai kiểm soát hết, làm việc cho quốc gia đã
đành rồi; nhưng hoàn toàn độc lập được phụng sự nghệ thuật, không
phải khuất phục một mệnh lệnh nào của đảng phái nào hay người
nào. Và chúng tôi nghĩ rằng:
"Nếu bây giờ đây, chúng ta được mong muốn một điều gì về
mặt chiếu bóng, thì điều mong muốn trước nhất của ta hẳn phải
là một nhà chiếu bóng như nhời ông Boissière đã nói, cạnh những
nhà chiếu bóng tổ chức theo ý ông Reboux, vì được như vậy, vừa lợi
cho đất nước vừa ích cho nghệ thuật".
Vâng, cũng như độc giả, chúng tôi đã biết rằng về mặt chiếu
bóng nói đến nước ta là nói đến số "không" (0).
Những phim: Toufou, Bà Đế, Kim Vân Kiều, Làm rể chẳng qua
chỉ là những cuộc thí nghiệm rẻ tiền mà thôi. Những người xuất sản
phim đó yêu nước yêu nghề đã đành rồi, nhưng không đi tới một
cái gì cả. Họ chán nản và gây cho những người đi sau những sự lo âu,
trừ ra mới đây mấy bạn chúng tôi: Văn Lang, Lê Huyên, Nguyễn
Dương,v.v... không nản chí, quyết sang Hongkong đóng phim Cánh
đồng ma, một truyện phim của Đàm Quang Thiện viết.
Tôi đã biết hết cả những nỗi khổ tâm, của bọn tài tử An Nam đó
từ khi chưa bước chân xuống tàu bể đi tới viễn châu kia. Tôi biết
hết những nỗi buồn bực của họ, thiếu thốn của họ, nên tôi chỉ yêu
họ mà không trách họ một điều gì. Họ, họ là những người yêu nước,
yêu nghề, nên những cái kém cỏi ở trong phim đó – mà ai lại có thể
thành công ngay được tự bước đầu? – mắt tôi đều không trông
thấy: tôi chỉ thấy sáng ngời lên, những quả tim, những khối óc trẻ