Nhà thi sĩ "hoà máu và mực" để viết nên bài văn tế cứu cấp sự
sợ vợ này có nói rằng: ai tụng bài này được một trăm lần thì cũng
có độ ách được mươi phần. Độ ách! Chao ôi! cái chữ nghe sao mà bi
đát thế! Tuy vậy bi đát thế nào thì bi đát, tôi tưởng bài văn cấp cứu
kia cũng chẳng "ăn" gì, bởi vì nghĩ cho nó cùng ra, nếu sợ vợ mà tụng
kinh giải ách được thì từ xửa từ xưa người ta đã làm rồi, chứ có đâu
lịch sử lại cứ còn đầy rẫy những chuyện sợ vợ, mà câu chuyện "cái
đảng sợ vợ" ở trong Tiếu lâm quảng ký cũng không thể còn có được.
Nhân đây, ta nên kể lại chuyện "cái đảng sợ vợ" đó nghe chơi:
Ngày xưa ở một làng kia, từ ông thủ chỉ cho đến anh cùng đinh, ai
ai cũng sợ vợ cả. Thấy thế cho là có thể "thương tổn" đến danh giá
của cả làng, có một người mới họp các bậc đàn anh lại mà rằng: Bởi
chưng một mình lẻ loi, cho nên "chúng nó" bắt nạt được. Giá bây giờ
ta họp nhau lại thành một đảng, tổ chức có quy củ, như đũa cả nắm
khó bẻ, thì chúng nó không làm gì nổi. Phải đừng có ai bỏ ai mới
được! Người ấy nói xong ngâm một câu thơ rằng:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Cái trò ở nhà quê ta vẫn thế. Mới nói ra thì chẳng có ai nghe,
nhưng đến lúc "gã tiên phong" kia đọc một vài câu vần vè lên thì ai
nghe cũng chịu cả; mọi người đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và đều
cho là phải cả. Lập tức, họ họp thành một đảng gọi là Dasovo cũng
như người ta mệnh danh cho hội này hội nọ những cái tên lạ như
Ajimi, Cotsiva, Apha, Amikea, v.v... Dasovo cũng có một ý nghĩa:
nếu lấy rời từng chữ ra thì người ta thấy ba chữ nghe rất oai,
không chỉ về sự ăn uống, đánh tổ tôm như Ajimi, không có cái ý
nghĩa ái hữu bịp như Cotsiva, nhưng có cái ý nghĩa này; đa = đảng,
sovo = sợ vợ.