đưa cho ăn và cứ như thế mãi. Mà con mực ăn nhưng vẫn không tỏ
vẻ vui mừng, ngoe nguẩy cái đuôi một lúc nào.
Giấc mộng ấy làm mợ Hai băn khoăn đến sáng. Mợ đoán
nhiều lắm. Sáng hôm sau, một cô bạn đến chơi, cầm một chương
trình cá ngựa, mợ lấy xem, và, có trời hiểu mợ đã đoán giấc mộng
làm sao, chiều chủ nhật ấy mợ lên trường đấu mã. Đánh. Đánh
lần đầu. Và không biết đánh cá thế nào, mợ cứ hỏi những bạn
quen và thấy họ bảo sao thì đánh thế. Và mợ thua. Thua ngót 50
đồng, mợ tái mặt đâm lo, gỡ gạc đến sáu giờ chiều thì món tiền
ba trăm nọ chỉ còn trơ 80 đồng.
Ngày xưa, trong những cuộc chơi đố chữ, những giấc mộng
hoang đường đã làm hại nhiều người. Bây giờ, có bao nhiêu người
cũng đã chết vì những giấc mộng, ở trên trường đấu mã?
Tôi đã biết nhiều người như thế! Nhưng không vụ nào làm cho
tôi cười thầm bằng vụ mợ đốc Xa. Thì ra mợ đốc Xa đoán giấc
mộng của mợ như thế này: người đàn ông kia là ông chủ quần ngựa,
con chó kia là... mợ, mợ đương sống cuộc đời bình tĩnh thì tự nhiên
có người đem thịt đến nhử miệng mèo – à, miệng chó, – mời ăn. Thì
tội gì chẳng ăn, – mợ nghĩ.
Mợ nghĩ thế là lầm.
Con chó kia, sau khi thua cá ngựa, đã mở mắt mợ, – tiếc thay,
hơi muộn. Mợ không phải là con chó. Mợ là người đàn ông trong
giấc mộng, có thịt, tự nhiên đem đến mời chó xơi. Mà con chó, thì
tôi không phải dài lời nói.
Mợ Hai hôm ấy buồn tha thiết. Mợ về nhà, gặp chồng, không
nói gì. Mợ không dám về Thanh nữa. Và người đàn bà định hoàn
lương đó, ngày lại ngày, thành ra bị sa ngã, và một đêm trăng đẹp,
người ta thấy đi chơi bước một với một người cai tây.