Trên kia đã nói Nữu Ước có phép màu. Thực thế, cái phép của
Nữu Ước kỳ lạ thật nhưng không thoát khỏi tiền. Vâng, Nữu Ước đã
vứt 155 triệu đô-la vị chi là 6 ức quan lên trên một đống rác và phép
mầu là ở chỗ đã làm cho đống rác biến thành một cảnh thần tiên,
thiết tưởng Giao Trì, Lãng Uyển của người Tàu vẫn tả cũng tân kỳ
diễm ảo đến thế là cùng vậy.
Nguyên là ở ngoài châu thành Nữu Ước có một miếng đất mông
mênh ở đầu đảo Brooklyn xưa nay vẫn bỏ không, bùn lầy đến cổ
chân, suốt ngày không có một người đi lại, duy có buổi sáng thì một
vài chục tên phu hót rác của thành phố ra đấy để đổ rác và những
cặn bã của thành phố vậy. Cái khoảng đất ấy, người Mỹ coi như là
một cái no man’s land, một đất không sinh vật, một khoảng đất bị
bỏ quên mà hầu hết các thành phố lớn đều không lấy làm hãnh
diện; người ta gọi nó là là một cái flusing, một chỗ bùn lầy nước
đọng. Muốn được tiếng là một thành phố mỹ lệ nhất thế giới,
Mỹ quốc há lại chịu để cái sọt rác ấy lù lù ở trước mắt mọi người
ru? Nhà chức trách vò đầu nghĩ ngợi và sau người ta quyết định
phải lấp nó, san nó cho bằng, tẩy uế nó. Đó là một công cuộc
khổng lồ, một công việc vĩ đại, phải áp dụng hàng mấy mươi ngàn
nhân công và máy móc. Đó, ở chỗ, đấy ấy, người ta đã xây nên hội
chợ quốc tế làm cho cả thế giới phải đổ dồn con mắt về và coi
như là một công cuộc của thần minh vậy. Bây giờ xong hội chợ rồi,
các gian nhà đã phá đi, nhưng thành phố Nữu Ước vẫn được lợi cái là
có một bãi đất mênh mông để làm bãi chơi đùa tập thể thao, một
khoảng đất tạo sức khoẻ và tương lai cho nước Mỹ. Một phần
khoảng đất ấy dùng để làm chỗ đậu tàu bay. Người ta đã tạo ra thế
giới tương lai ở trên khoảng đất thanh tân ấy. Thanh niên nam nữ
chạy nhảy và cất cánh bay hàng vạn triệu dặm. Ý nghĩa của hội chợ
quốc tế ở Nữu Ước năm 1939 là cuộc đời tương lai, là thế giới ngày
mai vậy.