Ngày mùng một tết năm nay, sự thực, không được tấp nập như
mọi năm. Ai đi lễ tết như cũng chân trước chân sau để vội về nhà
cho chắc dạ. Có anh chàng rể, vừa lễ bàn thờ, nghe thấy trẻ ở ngoài
đường bắt chước tiếng còi phòng thủ, bỏ cả ông vải đấy, toan chạy,
nếu không tốt người dìu lại.
Uống chè nội hoá. Uống rượu nội hoá. Ăn bằng phua-xết, cùi-
dìu
nội hoá. Câu chuyện tết năm nay không phải là câu chuyện
phiếm về sự ăn chơi tư lợi. Người ta nói đến kỹ nghệ, đến tiểu
công nghệ và thật ta nên lấy làm mừng mà nhận rằng hầu hết
mọi nơi người ta không còn nghĩ cái thành kiến nội hoá là tồi là
kém nữa. – "Ông phải biết chứ, chiến tranh mà cứ kéo dài ra nữa
thì ta rồi làm được tuốt chẳng thiếu thức gì đâu!" Người ta đã
thấy tự phụ được làm người An Nam, không như mấy năm trước
hồi còn phong trào vui vẻ trẻ trung ai cũng cho làm An Nam là xấu.
Thế giới chiến tranh đã mở mắt người ta ra. Á, Âu không phải là
chuyện lạ nữa. Một bà cổ nhất cũng biết chuyện quân Nga lại lấy
được Mo-dát và Nhật chỉ có nửa tiếng đồng hồ mà đánh đắm
được hai cái "phòng không mẫu hạm" (ý chừng là hàng không mẫu
hạm của Anh và Mỹ). – "Ừ thế thì tôi đố ông, lúc chung cục, anh
nào sẽ thắng?" Này thôi, nói gì thì nói chứ đừng đánh đố nhau việc
ấy. Năm mới năm me, ở phố Hàng Bạc đã có đám to tiếng về
vấn đề ấy đấy.
Mùng hai. Như ngày hôm mùng một. Mùng ba. Như ngày hôm
mùng hai. Và hết tết. Mùng bốn nhiều nhà làm thang hoá vàng.
Vàng hoá ở sân, sợ có ánh sáng bốc lên phải phạt. Người ta phải hoá
từng thoi vàng một như kiểu trẻ con đốt pháo sì. Nhưng sang đến
mùng năm thì con đường vào Đồng Quang thật là tấp nập, thật là
đông đúc. Ngày ấy, còn người Việt Nam nào lại còn không biết là
ngày kỷ niệm vua Quang Trung Nguyễn Huệ?