Tết cùng
Nói đến tết, người dân Việt Nam nào không nghĩ ngay rằng
theo âm lịch thì từ Nam đến Bắc người mình, giàu cũng như nghèo
đều cùng phải ăn vào ngày mồng một đầu năm. Cái đó đã thành
một tập tục phổ thông khắp nước từ hơn ngàn năm nay rồi, ai cũng
biết. Nhưng hình như chúng ta chưa mấy ai biết rằng ở vài tỉnh
Bắc Kỳ như Hà Đông, Sơn Tây và nhiều tỉnh miền thượng du, dân
ta không ăn tết như thế mà lại ăn vào một ngày cuối tháng giêng.
Đó là tục ăn "tết cùng". Theo tục đó, trong mấy hôm tết
Nguyên đán đầu năm mới, những nơi đó dù cũng có nghỉ ngơi, ngày
mồng một cũng làm lễ ở đình chùa cúng nhà thờ tổ tiên để cáo yết,
nhưng không rộn rịp tưng bừng. Mãi đến cuối tháng giêng, nhà nào
nhà nấy mới sắm sửa các thứ bánh trái, cỗ bàn để đến ngày ba
mươi cùng nhau ăn tết; ăn uống xong mới đi lại mừng tuổi nhau và
bày đủ các trò vui chơi, làng thì một ngày, làng thì ăn đủ ba ngày như
các nơi đã ăn tết chính. Vì họ ăn tết như thế nên gọi là ăn "tết
cùng".
Cái tục ăn tết cùng không phải là họ cố ý lập dị đâu. Đó là một
cái ấn tượng cảnh đời loạn ly mà tổ tiên họ đã trải qua, hàng năm lại
diễn ra để kỷ niệm vậy. Theo lời các vị cố lão ở một làng có tục đó kể
lại, thì hồi sáu bảy mươi năm về trước, vào đời vua Tự Đức nhân có
việc giao thiệp với người Pháp, các giặc cỏ nổi lên khắp nước. Đảng
Cờ Đen lấy cớ sang giúp quan quân ta, chia đi các nơi, xông vào các
làng cướp của giết người và hãm hiếp đàn bà con gái. Vào ngày 30
tết một năm, không nhớ rõ năm nào, nhà nào nhà nấy đang túi bụi
sắp sửa các thứ để ăn tết, lý trưởng bỗng nhận được giấy tống của
một tên tướng giặc cỏ trong vùng, hạn đúng đến ngày hôm sau là
mồng một tết, phải biện đủ mười con bò, hai mươi con lợn cùng