nói này lúc Kha bước ra đi. "Nay mang một con dao nhọn, đi vào cái
nước Tần rất nguy hiểm là chỉ có đi mà không về. Tôi sở dĩ chậm
đi là muốn đợi bạn tôi để làm cho chắc chắn. Thái tử đã không đợi
được thì tôi xin đi". Ta trọng Kinh Kha về chỗ đó. Biết là nguy hiểm
mà cứ đi, đi mà biết sẽ không về, cái nghĩa ở với bạn như thế thật
là quý báu. Chỉ tiếc rằng cái chết đó hơi phí quá, và không hẳn đã
phải là cái chết của dũng sĩ. Trên sông Dịch Thuỷ, Tiệm Ly đánh cái
trúc, Kinh Kha uống rượu và hát rằng:
Gió hiu hắt nước lạnh tê;
Phen này dũng sĩ đã đi không về.
Kinh Kha ngửa mặt lên trời, thở đánh phì một tiếng. Hơi xông
thẳng lên giời, hoá thành một cái cầu vồng trắng, ai nấy đều
lấy làm lạ. Kinh Kha cất tiếng hát:
Hang hùm quyết chí xông pha,
Một luồng hơi thở hóa ra cầu vồng
Bao nhiêu tân khách và các người đi theo tiễn trên sông Dịch Thuỷ
ôm mặt khóc Kha, vì cảm cái nghĩa của Kha dám sang hành thích vua
Tần? Hay vì tại họ thấy cái chết của Kha phí quá, "giá mà đợi Cáp
Nhiếp thì có khi thành việc"?
Tất cả cái hay cái đẹp của Kinh Kha là ở đó và chỉ ở đó mà thôi.
Việc hành thích vua Tần thành hay bại, không quan hệ. Vậy ta có thể
kết luận: Kinh Kha đi sang Tần vì yêu nước Yên, vì ghét Tần
Doanh Chính một phần nho nhỏ, mà phần lớn là vì cảm cái nghĩa
cái tình của Điền Quang và thái tử Đan.
Có người bảo Kha qua Dịch Thuỷ sang Tần là vì cảm thái tử Đan
đã hy sinh tiền của, – người ấy đã gán vào linh hồn của Kinh Kha