VŨ BẰNG - CÁC TÁC PHẨM MỚI TÌM THẤY - Trang 546

một cái xấu mà chính Kinh Kha không có. Có người lại cho rằng
chính Kinh Kha đã thúc thái tử Đan làm việc mau lên. "Tâu thái tử,
việc gấp lắm, chờ đợi tìm người thì không tiện, thôi cũng được".
Kinh Kha sở dĩ còn được là dũng sĩ chỉ là vì biết việc cần phải để
chậm, không thể làm mau được. Bắt Kinh Kha giục thái tử Đan như
thế tức là làm mất cái phần trí của Kha, tức là đánh mất cái lẽ lên
lui của Kha vậy.

Còn nữa. Có người lại cho rằng Kha thấy lính Tần ức hiếp con

gái Yên thì nổi nóng, ba lần toan rút gươm khỏi vỏ để giết. Nóng
nảy như thế, phải đâu là dũng sĩ? Kinh Kha hơn Hạ Phù là người
máu hăng, giận thì mặt đỏ, hơn Tống Ý là người mạch hăng, giận thì
mặt xanh, hơn Tần Vũ Dương là người cốt hăng, giận thì mặt
trắng. Tức giận mà hình ra mặt để cho người ta biết thì làm sao nên
việc được? Người ta cứ tưởng phàm người vũ dũng thì làm ầm lên,
chém thớt, nói to, rút gươm ra ầm ầm, mà cái không khí ở chung
quanh người ấy thì loạn xạ lên. Không. Người vũ dũng không nói to,
không hò hét mà cũng không nói lời kiêu ngạo. Tự câu nói của người
vũ dũng tiết ra hùng khí chứ không phải cố tìm ra hùng khí. Kinh
Kha là dũng sĩ. Cái hùng khí của Kha tiết ra rõ nhất, không phải ở
việc sang Tần rút kiếm ra đâm Tần Thuỷ Hoàng mà chính là ở chỗ
Kha dám làm, Kha đã làm. Bởi vậy, việc hành thích ở cung Hàm
Dương không đáng kể.

Cho người ta thấy Kinh Kha, chỉ cần từ chỗ Kha đi theo Điền

Quang về với thái tử Đan, cầm vàng ném rùa, nhận tay mỹ nhân
rồi đến chỗ tân khách mặc quần áo trắng tiễn Kha trên sông Dịch
Thuỷ. Nhà làm tiểu thuyết có thể viết thêm cho vui chuyện. Nhưng
nhà làm kịch Kinh Kha gặp một điều khó: nếu không thuật chỗ
hành thích thì bỏ phí nhiều sự hoạt động, mà viết ra, chính đã
không làm bật được lên cái tinh thần đặc biệt của người tráng sĩ trên
sông Dịch.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.