đã cho họ đi về nhà bò vậy. Cái chính sách thực dân tàn ác, thâm
thiểm, nguy hại đến như thế, tồn tại làm sao cho được? Không
nước này can thiệp thì cũng phải có nước kia lên tiếng. Chả nhẽ thế
giới này chỉ toàn là bọn ăn người cả hay sao?
Ta có thể tin rằng một tương lai tốt đẹp đã mở rộng ở trước mắt
ta. Quân tàn bạo không thể nào trở về đây được nữa. Bổn phận của
người dân lúc này là phải rèn đúc lấy một tinh thần tự trị, gột rửa
các nô lệ, phải hy sinh dũng mãnh để bảo vệ tự do như trong những
bức vẽ của các ông Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân,
Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Cẩn... Phải yêu thương
giống nòi, đừng chia rẽ, nhưng phải tìm cách để đoàn kết thân mật
lại với nhau hơn. Làm gì có ba kỳ? Làm gì có năm xứ? Chỉ có nước
Việt Nam thôi.
Nước Việt Nam, qua cái ách Pháp thuộc nặng nề, bây giờ bắt
đầu bước vào một kỷ nguyên mới tràn trề ánh sáng. Từ nghệ sĩ
đến người thợ, từ bác nông phu đến một chị học sinh, ai ai cũng
phải góp sức lại để làm việc cho nhà cho nước cường mạnh hơn. Mà
muốn thế, bổn phận cần cấp của ta phải thế nào? Một bức tranh
đã trả lời: Chính quyền của người Pháp ở đây như cái cây bị long rễ
trồi gốc kia, không thể hồi sinh được nữa. Nhưng cây đó còn rất
nhiều rễ con, còn để còn nguy hại. Vậy người Việt Nam kiếm củi
phải làm ngay công việc này. Chặt bới cho hết tuyệt những cái rễ con
của nó đi: rễ Việt gian, rễ vong bản, rễ xu thời nịnh thế, rễ ham
chuộng hư danh, rễ bán nước cầu vinh, rễ thực dân, rễ tham quan ô
lại, rễ cường hào nhũng lạm, rễ lý dịch sâu mọt, rễ nghèo, rễ đói, rễ
rét, rễ ngu và rễ dốt.
Một trăm một nghìn thứ rễ đó, một người không thể trừ bỏ được,
mà một chánh phủ cũng không thể nào làm được nốt, nếu không có
dân làm hậu thuẫn.