ăn; người Tàu năm 1937 bị thua Nhật, chạy qua biên giới sang đây cứ
ăn gạo của chúng tôi, cứ ở nhà của chúng tôi, cứ được chúng tôi đặt
lên hàng thượng tân; và chúng tôi lúc nào cũng có ở mâm một cái bát
và một đôi đũa cho khách lạ, và một cái giường cho những kẻ lỡ chân.
Nhưng cái đức thương người cũng phải có chừng có mực: chúng tôi
tốt nhưng không hèn. Người ta không thể ở đất của chúng tôi mà lại
chửi cả nước chúng tôi, không thể chịu ơn chúng tôi mà lại khinh miệt
chúng tôi; chúng tôi có bàn tay mềm dẻo để đỡ người nhưng đến
lúc cần phải đánh thì đánh mạnh.
Ngay lúc người Pháp còn nắm chủ quyền ở đây, chúng tôi dù chỉ
tay không, cũng đã đánh như thế chứ không phải đợi đến bây giờ
mới đánh. Đứng về phương diện phản đối và cách mạng, chúng tôi
không đánh một người, mười người hay một trăm người Pháp, nhưng
đánh tất cả giặc Pháp đế quốc, và cứ mươi mười lăm năm lại
phanh ruột dội máu ra một lần.
Bây giờ, đối với họ, chúng tôi không thèm đánh nữa bởi vì họ đã
bị thua Nhật rồi, nhưng chúng tôi phải đánh những tên giặc Pháp
vẫn còn nuôi những tư tưởng thống trị, những tên giặc Pháp vẫn còn
nghĩ rằng họ có quyền bắt dân này làm nô lệ mãi cho họ, những
tên giặc Pháp không biết thân, vẫn cứ tưởng rằng tất cả đều mọi
rợ, chỉ có họ là văn minh.
Đánh như thế chính thực không phải là đánh họ, nhưng đánh vỡ
cái tư tưởng khốn nạn ở trong sọ họ đi; đánh vì công phẫn, đánh
theo lối hội đả như ở Mỹ châu, Hy Lạp.
"Thế nhưng mà dù sao ta cũng nên biết rằng kéo hàng trăm
hàng chục người đánh một tên Pháp, người ta cho là hèn".
Ngài nào nói ra câu danh ngôn đó xin cứ yên tâm, đừng sợ. Thì
chúng tôi vẫn nói rằng ta không đánh một cá nhân Pháp kia mà!