TIÊU LIÊU
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, số 35 (3.11.1940)
Thứ hai
Số báo này là số Mùa cưới. Lẽ cố nhiên là trai cưới gái hay là
gái cưới trai, chứ không thể nào khác được.
Vậy không lý nào tôi lại không nói tới đôi trai gái ở Sông Hương là
cô P.T.N.L. và ông tai mắt nọ, – hình như là một giáo sư thì phải, –
yêu nhau rồi phụ nhau, cái đó là thường lắm. Nếu đôi kia cũng chỉ
có thế rồi thôi thì cũng chẳng ai nói tới làm gì; chết một cái là sau
khi bị tình nhân phụ bạc rồi, cô P.T.N.L. lại viết bài đăng rùm ở
trên các báo kể tội của tình nhân và trưng hết cả những bức thư mà
tình nhân cô đã viết khi hãy còn ở Pháp.
Đọc bài của cô P.T.N.L., không ai khỏi ngậm ngùi cho cô và trách
cử chỉ không chung tình của người đàn ông nọ. Nhưng người ta cũng
không khỏi trách tờ báo đã đăng bức thư nọ lên, bởi vì báo đó há lại
không biết rằng làm như thế tức là làm tiêu danh ông giáo sư phụ
tình. Ông đỗ cao, còn trẻ mà nhà lại có, cứ đem mảnh bằng ra đã có
khối vợ theo, thế mà báo giới làm hại ông như thế thì để cho...
không cô nào dám lấy ông này hay sao?
Vì vậy tôi cho là cô P.T.N.L. tác giả bức thư kia là một người rất
đanh ác, thâm hiểm, nhưng thủ phạm sự hại người đó chính là mấy
tờ báo đã đăng lá thư kia vậy.
Tờ báo nào đâu phải là một lá thư tình? Không, họ buôn một cái
tình đau khổ đấy! Nếu họ không buôn, thì đời nào ta lại thấy một
sự kỳ quặc từ xưa chưa từng thấy đó. Mà có P.T.N.L. chắc phải mua
một con tem mà gửi những lời trách móc kia cho kẻ phụ tình, và nhờ
đấy, cô sẽ không vạch áo cho người xem lưng vậy.