— Hắn ta gốc gác từ đâu thì không rõ lắm. Nhưng người ta có lý do để
tin rằng hắn sinh ở Ba Lan hay Nam Tư gì đấy. Đây là một con người lầm
lì, ít khi tự động nói chuyện làm ăn với người khác. Ở Alger, hắn có mở
một văn phòng. Làm việc gì anh biết không?
— Chắc chắn là một nghiệp vụ bình thường chứ gì?
— Bán tem thư!
Maigret thấy khoái trá vì điều này phù hợp với con người trên tàu.
— Bán tem thư là để che giấu chuyện khác, đúng phóc như vậy! Chuyện
ngon lành là cảnh sát đã không nghi ngờ gì hết cho đến khi có một vụ hai
người bị giết. Đây là tôi lặp lại đại khái những lời Lucas nói trong điện
thoại. Văn phòng này gần như là một loại xưởng to nhất chuyên sản xuất
giấy thông hành giả và nhất là các khế ước lao động giả. Samuel có đường
dây làm ăn ở Varsovie, Vilna, Silésie, Constantinople…
Bầu trời đêm lúc này một màu xanh thẫm. Các ngôi nhà màu trắng xà cừ
nổi bật lên. Phía dưới kia là tiếng rì rầm quen thuộc của đám khách uống
khai vị. Maigret nói từng tiếng:
— Lạ thật!
Nhưng chuyện ông thấy lạ không phải là nghề nghiệp của Samuel.
Chuyện lạ là ở Bergerac lại thấy được những đường dây mối nhợ tận ngày
xưa giữa Varsovie và Alger. Và nhất là từ một vụ án ở địa phương, một tội
phạm tỉnh nhỏ lại rơi vào một bọn đạo tặc quốc tế!
Loại người như Samuel ở Paris và các nơi khác, Maigret đã từng gặp cả
trăm và ông luôn luôn xem xét một cách tò mò, hơi khó chịu nhưng không
bao giờ ghê tởm họ, như họ là một loại người khác với con người bình
thường thôi. Những con người làm bồi rượu ở Scandinavie, gangsters ở Mỹ,
chủ sòng bạc ở Hà Lan hay các nơi khác, quản lý khách sạn hay giám đốc
nhà hát ở Đức, dân buôn ở Bắc Phi.
Thế là trước mặt cái quảng trường Bergerac bình yên một cách thật lý
tưởng này, cả một thế giới được gợi lên, một thế giới kinh khiếp về sức
mạnh của nó, vì số đông nhung nhúc, vì định mệnh bi đát của nó.
Miền Trung và Đông Âu, từ Budapest đến Odessa, từ Tallinn đến
Belgrade đầy người là người.