Hàng trăm ngàn người Do Thái đói rách, mỗi năm túa ra tứ phía trên các
tàu biển trong các hầm tàu chất đầy người xuất cư, những chuyến tàu hoả về
đêm, trẻ con còn ẵm trên tay, ông già bà cả bị lôi xềnh xệch, những khuôn
mặt nhẫn nhục, bi thảm diễu gần các cây cột biên giới.
Thành phố Chicago chứa dân Ba Lan còn nhiều hơn dân Mỹ. Nước Pháp
thu hút hết đoàn tàu này đến đoàn tàu khác và các tay thư ký hội đồng xã ở
vùng quê phải bắt đánh vần từng chữ những tên người dân đến khai sinh
hay khai tử. Có những người ra đi chính thức, có giấy tờ đàng hoàng. Lại có
những kẻ không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt mình hay là không thể nào tìm
ra tờ hộ chiếu.
Thế là các tay Samuel chen vào. Những tay Samuel thông thuộc làng nào
đông dân muốn ra đi, nơi nào muốn chứa chấp, biết tất cả những nhà ga
biên giới nằm ở chỗ nào, biết những con dấu của các toà lãnh sự, biết từng
chữ ký của các viên chức. Những tay Samuel biết tới mười thứ tiếng và thổ
ngữ. Và biết cách che giấu công việc làm ăn của mình dưới một hình thức
dịch vụ phát triển và nếu có đầu mối quốc tế thì càng hay. Cho nên những
con tem thư quả thật đã tìm đúng chỗ!
“Ông Lévy, Chicago.
Trên chuyến tàu biển sau, tôi gửi cho ông hai trăm con tem hiếm màu da
cam của Tiệp Khắc.”
Và tất nhiên, Samuel như phần lớn người cùng ngành chỉ bận tâm tới
con người thôi.
Trong những ngôi nhà đặc biệt ở Nam Mỹ, chính các cô gái Pháp là thứ
thượng thẩm của mặt hàng này. Người đưa họ đi hoạt động ở Paris, ngay
trên các đại lộ sang trọng. Nhưng phần đông trong đoàn người đó là những
cô gái nông thôn tuổi từ mười lăm đến mười sáu được đưa sang đó và trở về
năm hai mươi - hoặc cũng không bao giờ về nữa - sau khi đã lĩnh được một
món tiền nhỏ.
Chuyện này là món ăn thường ngày của Quai des Orfèvres. Nhưng
Maigret bỡ ngỡ là cái tay Samuel này vụt xen vào vụ Bergerac mà cho đến
lúc này mới chỉ có ông biện lý Duhourceau, ông Leduc, ông chủ khách sạn.
Một thế giới mới, một không khí thật khác biệt chen vào. Cả vụ án bỗng đổi