chiếu vào quả cầu pha lê dùng làm cái chặn giấy của ông sếp.
— Ý kiến hay đấy! Lúc này tôi không bận gì.
Chập tối, ông mua vé hạng nhất và lên tàu ở ga Orsay đi Villefranche.
Một nhân viên đường sắt nhắc ông phải nhớ chuyến tàu ở Libourne. “Trừ
phi ông ở toa giường nằm có móc vào toa chở thư!” Maigret không chú ý
tới lời dặn, cứ ngồi đọc báo và đi đến toa hàng ăn, ở đó mãi tới mười giờ
khuya. Khi ông trở về toa mình thì những rèm cửa đã hạ xuống, đèn sáng
mờ mờ, và đôi vợ chồng già đã chiếm mất hai ghế dài rồi.
Một nhân viên đi ngang qua.
— Liệu có còn một chỗ giường nằm nào trống không?
— Toa hạng nhất không còn. Nhưng hình như ở hạng hai còn một
giường. Nếu ông thấy cũng được thì...
— Không sao!
Và thế là Maigret đi dọc theo hành lang, tay xách hành lý. Người nhân
viên thử mở nhiều cửa và cuối cùng tìm ra một khoang mà giường trên đã
có người nằm.
Trong toa này, đèn cũng mờ sáng và rèm cửa buông kín.
— Ông có muốn bật đèn lên không?
— Cảm ơn!
Không khí thật oi bức. Người ta nghe thấy ở đâu đó một tiếng rít nhè nhẹ
có vẻ như là ống dẫn khí đốt bị xì hơi. Ở giường trên có người nằm cứ cựa
quậy và thở hoài.
Thế là ông cảnh sát trưởng nhẹ nhàng tháo giày, cởi áo vest, áo gilet.
Ông nằm duỗi dài, lấy cái mũ quả dưa chụp lên đầu vì có luồng gió nhẹ
không biết từ đâu thổi vào.
Ông có ngủ không? Dù sao thì ông cũng có thiếp đi. Có thể là một giờ.
Có thể là hai. Có thể hơn nữa. Nhưng ông vẫn chập chờn nửa thức nửa ngủ.
Và trong tình trạng lơ mơ ấy, ông cảm thấy bực dọc. Có thể trời nóng quá
mà luồng không khí thổi vào lại bị cản. Hơn nữa, có thể vì người nằm trên
không lúc nào chịu nằm yên! Y trăn trở không biết bao nhiêu lần trong một
phút, mà lại ở ngay trên đầu Maigret. Mỗi cử động của y lại gây nên tiếng
ồn. Nhịp thở của y không đều, giống như người bị sốt.