Tại cửa thang máy đã hình thành một đám đông yên lặng, xếp thành vòng
tròn như những khối người kết chặt, chờ đợi những cái thang máy hiện đã
cùng dừng lại ở tầng thứ tư. Chờ đợi, luôn luôn là sự chờ đợi...
Khi chúng tôi bước vào cầu thang của tầng một, tôi nói:
- Vậy ở đây đã xảy ra vấn đề gì?
- Đó là những chuyện vẫn thường xảy ra ấy mà, nhưng giờ thì có tăng lên
một chút - Cô đáp - Nào là ăn cắp xe hơi, phá hoại tài sản hay cướp giật.
Trên đại lộ Sunset còn có cả chuyện chặn cướp nữa. Mấy tháng trước, có
hay y tá đã bị tấn công trong bãi đậu xe ở bên kia đường.
- Tấn công tình dục ư? - Tôi hỏi, đồng thời dấn lên liền hai bước để theo
kịp cô.
- Chuyện đó không được làm sáng tỏ. Cả hai người bọn họ đều không trở
lại đây kể cụ thể câu chuyện thế nào. Họ là những y tá làm ca đêm không
trong biên chế. Tôi chỉ nghe người ta nói lại rằng hai y tá ấy bị đánh khá
nặng và bị cướp mất ví tiền. Cảnh sát đã cử một sỹ quan tới giảng bài an
toàn cá nhân quen thuộc và thừa nhận rằng nếu bệnh viện không trở thành
trại vũ trang thì không ai có thể làm gì để đảm bảo sự an toàn cả. Những
nhân viên nữ kêu gào nhiều lần nên chính quyền mới hứa sẽ cho nhân viên
an ninh tuần tra khu vực này nhiều hơn.
- Thế họ có làm như đã hứa không?
- Tôi cho là có - anh cũng thấy có thêm nhiều cảnh sát ở các bãi đậu xe và
kể từ đó thì không xảy ra vụ tấn công nào nữa. Nhưng sự bảo vệ đến cùng
với hàng đống các thứ khác mà không ai đề nghị cả. Nào là đặt camera tại
khuôn viên, làm thẻ ra vào mới, thương xuyên nhũng nhiễu chẳng hạn như
chuyện anh đã phải trải qua ấy. Riêng tôi nghĩ chúng tôi đã tự đặt mình vào
tay của chính quyền, để cho họ có cơ hội kiểm soát chúng tôi. Mà một khi
họ đã có cơ hội làm việc đó thì còn lâu mới từ bỏ.
- Những sinh viên loại C trả thù chăng?
Cô dừng bước và quay mặt nhìn tôi, cười bẽn lẽn:
- Anh vẫn còn nhớ chuyện đó à?
- Nhớ rất rõ ấy chứ.
- Hồi đó tôi hơi lắm mồm phải vậy không?