ngồi xuống cái ghế bọc nhựa, dì chải tóc, nói con gái thời hiện đại bây giờ
phải tóc kiểu chớ tóc thế này là tóc mấy bà già trầu. Lia ngang một lưỡi
kéo, một mảng tóc Tư rơi, Tư chồm dậy hoảng hồn la:
- Dì làm chi dzậy?
Đẩy cho Tư ngồi xuống, dì ôn tồn :
- Dì cắt tóc...Dì cắt có tiếng là mốt nhứt Cà Mau đó!
Chịu trận, Tư lượm mớ tóc dài, nước mắt rưng rưng. Tối bữa đó, Tư về,
có cảm tưởng trên đường ai cũng nhìn mình. Nước mắt vòng quanh, Tư bỏ
ăn, tay ôm mớ tóc kết lại, nhớ Thẻo và tự hỏi chẳng biết Thẻo nghĩ thế nào.
Dẫu chẳng bao giờ nói thành lời, nó biết mỗi lần Thẻo đi hái lá thơm về
cho nó gội đầu, ngồi nhìn nó hong tóc cho khô, là Thẻo mủm mỉm cười một
mình, mặt ngây dại, say đắm. Chế Lềnh hỏi, Tư chỉ lắc đầu, nhưng đoán
được, chế sởi lởi :
- Sẳm thấy tóc con như dzầy gọn gàng, làm cho khuôn mặt con đẹp lên
đó Tư. Bữa nào má con lên, con hỏi mà coi sẳm nói có trúng không nghe...
Những bài học sau là tô son, kẻ mắt. Da Tư còn sậm nắng, chọn mầu
khó. Son tô môi đỏ chói, bút kẻ mi mắt xanh lè khiến lần đầu nhìn trong
gương Tư thấy mình như đi hát bội trong một gánh hát lưu động dăm ba
tháng lại ghé "phục vụ" ở xóm Mũi một lần. Nguyệt Hoa xoay người Tư
lại, ngắm gần ngắm xa, trầm trồ : "Con nhỏ này ngộ quá há...", tay châm
chút phấn hồng lên má Tư. Ban đầu, trang điểm xong ở tiệm, Tư lén lau
sạch mặt mới dám ra đường. Sau, Tư cũng quen dần, và khi bọn con trai
nhìn chằm chằm, Tư không khỏi thấy khoan khoái, giả quay mặt bước
nhanh. Nhưng bước làm sao. Dì Nguyệt Hoa bắt Tư đi guốc cao tới mười
phân, dạy cách giữ thăng bằng, chân trái di động thì mông bên phải nhướn
lên, với tiết độ nhịp nhàng khoan thai. Loại bài học này cần tập lâu, ngày
đầu Tư sái chân, phải nghỉ ba bữa, nhưng riết rồi quen đến độ sau Tư chẳng
còn để ý đến độ cao của guốc, bước tự nhiên như thuở còn chân đất.
Phần còn lại của "chương trình" là chủ đề cư xử thế nào với đàn ông. Dì
Nguyệt Hoa cao giọng: "...cơ bản phải biết đàn ông là gì?". Tư gần gũi
đúng ba người. Cha mình là Sáu Nhêm. Làm lụng vất vả nhưng ông ít rên,