Thẻo cảm động, không biết nói chi nên lập lại khẩu hiệu quyết tâm, "Nơi
nào cần, thanh niên có. Nơi nào khó, có thanh niên". Thuấn ôm vai Thẻo,
rưng rưng :
- Qua biết em là người tốt, mà người tốt tất việc tốt!
Vuông tôm 5000 mét vuông chỉ một tay Thẻo cào sình rồi gánh lên bờ,
sau người làm ruộng mang xe đến chở đi đắp nương ở những chỗ đất trũng.
Cào sình thôi, mất bốn tháng ròng. Ngày ngày cán bộ Thuấn nói, sau chỉ
một vụ tôm ta có đủ vốn ta sẽ mua máy về cào, mua xe về chở, đúng như
Chủ Tịch Tỉnh tuyên bố, Xã hội Chủ Nghĩa là cơ giới hóa nông nghiệp.
Vuốt mồ hôi nhẫy nhụa, ban ngày Thẻo nhắm mắt là mơ thấy máy kéo,
máy cào, máy bơm. Chỉ đến tối, Thẻo mới có những giấc mơ khác, thường
là có Tư ở bên, chưa công nghiệp hóa đến mức ngửi thấy mùi xăng dầu.
Tối hôm nghe Thuấn nói về viễn tượng một cuộc sống mới nhờ tiền bán
tôm kiếm được trên thị trường quốc tế, Thẻo lên chùa. Cứ mỗi khi vui hay
buồn, nó có thói quen tìm Sư, đôi khi ngồi cạnh mà chẳng nói quá nửa câu.
Sân chùa, dưới những tàn cây rủ bóng chập chờn dưới ánh trăng lưỡi liềm,
nó tính nhẩm rồi thốt :
- Sư à, con tính mỗi vụ tôm là thu được bảy, tám ngàn đô. Sư biểu dzậy
là bao nhiêu tiền mình?
- Ai biểu bảy, tám ngàn đô? - Sư ngạc nhiên.
Thẻo kể lại tỉ mỉ cho Sư nghe lời Thuấn. Sư im lặng. Không thấy Sư nói
gì, Thẻo lấy bức thư Tư gởi ra đọc. Lần này chắc đọc đến hàng chục lần
nên Thẻo đã thuộc lòng, bật cười nghe Sư biểu lấy đèn soi, buột miệng :
- Xây được cái nhà đã rồi mới làm đám cưới....
Sư phá lệ không chen vào chuyện đời, hỏi :
- Ai cưới ai?
Thẻo đỏ mặt, nói về dự định lấy Tư làm vợ. Sư biết Tư hiện ở trên chợ
Năm Căn, chỉ nói:
- Xin với dì Sáu mày ngay. Rồi ráng đón con Tư về dưới quê, càng sớm
càng hay. Chợ búa không phải là chỗ của tụi bay... Nam mô A di đà Phật!