bốn thị-vệ theo hầu. Kế đến là Đại-tướng Tôn-thất-Thuyết và
Tả-quân Trần-Soạn. Quân lính kéo đi sau độ trăm người đều
mang gươm và súng. Đi theo lại có 50 bảo-đài (hành-lý), ba
thớt voi và 5 con ngựa. Trương-quang-Ngọc mang một đội
quân Mường đi triệt hậu. Đến Qui-đại, vua ngự tại nhà Đinh
Hiền, Tôn-thất-Thuyết ở nhà Đinh Đối, Trần-Soạn và tòng
binh ở nhà Đinh Trọng. Ba hôm sau đạo-ngự kéo lên Đồng-
nguyên (Cổ-liêm) rồi lại quay về xóm Lim thuộc xã Ba-
nương. Sợ quân Pháp thừa hư đến đánh, nên chung quanh
chỗ vua ngự đều thả chông gai và Ngọc đốc thúc quân lính
phòng-thủ rất nghiêm ngặt. Được tám ngày, có quân do
thám ở Kiên-trinh (Trành) đến báo rằng quân Pháp đã từ Bãi-
đức đến Trành, vua Hàm-nghi phải lánh vào núi Ma-rai thuộc
tổng Kim-linh.
Chiều hôm sau, quả nhiên quân Pháp kéo đến Ba-nương
rất đông. Đội quân này do Đại-úy Hugo chỉ huy. Ngày mùng
6 tháng Chạp năm 1885, Đại-úy Hugo cùng với hai Trung-úy
Gayge và Bellamy mang một đoàn quân pháo thủ Bắc-kỳ từ
Vinh lên dẹp quân vua Hàm-Nghi ở giữa khoảng Vinh – Hà-
tĩnh và Bãi-đức. Sau trận đánh ở Kẻ-bài mà quân Nam thất
bại, Đại-úy Hugo được tin vua Hàm-Nghi đang ẩn ở Ve, Đại-
úy liền mang quân lên Ba-nương đón đánh. Nhưng khi quân
Pháp tới, dân làng hoảng sợ, chạy cả vào trong rừng, bỏ lại
mấy túp lều tranh, đáp lại cái cảnh rộn rịp của quân Pháp
bằng sự yên lặng.
Lục lọi hồi lâu ở trong xóm, lính pháo-thủ bắt được một
ông già tên là Cố Tư, vì tuổi tác nên chẳng lánh kịp. Bị tra
hỏi, ông già thế chẳng đừng được, phải chỉ đường vua đi.